BẠN ÐỌC KIẾN NGHỊ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ

Tránh lãng phí in lịch Tết

Chuẩn bị Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhiều cơ quan, ban, ngành, các tổ chức kinh tế xã hội từ trung ương đến địa phương đã và đang tổ chức in lịch và thiệp mừng năm mới cho đơn vị mình. Lịch là món quà tặng, quà biếu có ý nghĩa vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Nhiều cơ quan giao dịch, sản xuất, kinh doanh tri ân dành cho các khách hàng, đối tác và cán bộ, công nhân viên của cơ quan mình. Có thể xem đây là một kênh quảng bá thương hiệu, thông tin doanh nghiệp của các tổ chức, đơn vị kinh tế mang lại hiệu quả, là nét đẹp trong đời sống văn hóa của nhân dân ta hằng năm mỗi mùa xuân đến.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, có quá nhiều nơi việc in lịch còn gây lãng phí nhiều, không ít các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội, tuy quy mô sản xuất nhỏ, vốn không nhiều, nhưng cũng cố tìm cho mình một đầu lịch để in tên đơn vị mình. Vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên đã in những tờ lịch vừa xấu về hình thức, lại quá nghèo nàn về nội dung, thậm chí nhiều đơn vị chọn mẫu lịch chẳng ăn nhập gì với ngành nghề của đơn vị mình, vừa mất tiền, mất thời gian, mà không thu được hiệu quả. Còn khá nhiều cơ quan cấp huyện, thị, tỉnh đã sử dụng ngân sách để in lịch, thiệp, trong khi đó lại hạn chế chi những khoản cần thiết hơn. Phải chăng là do tiền công quỹ ngân sách, nên đây cũng là cơ hội "lại quả, kiếm chác" của một số người.

Theo thanh tra của ngành tài chính, thì hằng năm số tiền lãng phí hơn chục tỷ đồng được lấy từ nguồn ngân sách ra chi cho việc in ấn này. Nhiều anh, chị em cán bộ lại than phiền và tỏ ra chẳng mặn mà thích thú gì khi cứ phải nhận nhiều lịch biếu quá, đến nỗi người ta cho thì nhận, nhận rồi lại phải đi phân phối lại. Thậm chí, có người còn "than thở" mang lịch đi gửi tặng nhưng nhiều người đã từ chối nhận vì lý do nhận được quá nhiều lịch của các nơi gửi tặng; không ít cơ quan, gia đình có nhiều lịch phải để nóc tủ, hết năm mang ra thùng rác. Việc này quả là gây nên sự lãng phí. Tôi nghĩ trong thời buổi kinh tế của ta còn gặp khó khăn thì tiết kiệm trong chi tiêu cũng như tiết kiệm trong các loại chi phí dành cho in ấn lịch cuối năm của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị đoàn thể, tổ chức kinh tế... là điều cần thiết. Cần nghiêm chỉnh chấp hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công văn hướng dẫn thi hành của Bộ Tài chính về việc tiết kiệm, chống lãng phí chi tiêu ngân sách, nhất là những cơ quan, đơn vị sử dụng hạn mức kinh phí. Mỗi người, mỗi đơn vị hãy khắc phục và loại bỏ chủ nghĩa phô trương hình thức, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí của ngân sách. Mong rằng, việc tặng, biếu lịch Xuân Giáp Ngọ 2014 này thật sự là nét đẹp văn hóa đáng trân trọng.

ÐỖ THÔNG (TP Hồ Chí Minh)

Phòng, chống tai nạn lao động trong xây dựng

Các công trình xây dựng từ dân dụng, công nghiệp đến giao thông... thường có mặt bằng thi công lớn, tập trung nhiều máy móc thiết bị, điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp, người lao động (NLÐ) thường xuyên phải làm việc trên cao, cho nên luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro gây tai nạn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của số vụ tai nạn lao động (TNLÐ) trong ngành xây dựng lại chủ yếu xuất phát từ yếu tố con người.

Theo quan sát của tôi, hiện nay tại các công trường thi công, vật liệu, xe, máy thường để lộn xộn. An toàn sử dụng điện và chống ngã cao là các vấn đề thường trực trên công trường, nhưng tình trạng dây điện phục vụ thi công không được treo cao mà rải thẳng dưới đất hay mặt sàn, không sử dụng ổ cắm chuyên dụng, không nối đất vỏ thiết bị điện... hay tại các mép sàn, hố thang máy, lỗ thông tầng và nhiều vị trí nguy hiểm chỉ được chăng dây che chắn sơ sài, thiếu bảng cảnh báo diễn ra rất phổ biến. Hệ thống lưới che khu vực thi công, lưới chống rơi, lưới đỡ vật rơi tại nhiều công trình hầu như chỉ mang tính hình thức, đối phó.

Tại nhiều công trình dự án, nhà thầu thường khoán cho các nhóm cai thầu thi công từng hạng mục. Các cai thầu này sử dụng lao động phổ thông, nông nhàn, có trình độ chuyên môn thấp, thiếu kiến thức và ý thức phòng tránh TNLÐ. Hơn nữa, để tăng lợi nhuận, các nhà thầu cũng thường cắt giảm chi phí phục vụ công tác an toàn lao động (ATLÐ), như không đầu tư đầy đủ phương tiện bảo đảm an toàn trên công trường, không trang bị đủ thiết bị bảo hộ cho NLÐ, không thiết lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên trên công trường... Song, chế tài xử phạt sai phạm trên cũng chỉ lên đến vài chục triệu đồng, cho nên không đủ sức răn đe. Ðơn cử, theo Ðiều 16, Nghị định 95/2013/NÐ-CP, khi đơn vị vi phạm quy định không bảo đảm điều kiện ATLÐ đối với nhà xưởng, hoặc không khai báo, điều tra TNLÐ, sự cố nghiêm trọng, hoặc không thực hiện chế độ trợ cấp, bồi thường cho NLÐ bị TNLÐ, cũng chỉ bị phạt cao nhất 10 triệu đồng.

Hiện nay, hệ thống văn bản hướng dẫn về thực hiện ATLÐ đã khá đầy đủ. Do vậy, để phòng tránh và giảm đến mức thấp nhất số vụ TNLÐ trong xây dựng, nhất là trong thời điểm cuối năm, khi nhiều công trình gấp rút hoàn thành tiến độ, NLÐ tranh thủ tăng ca mong tăng thu nhập, cần tập trung nâng cao nhận thức, ý thức về ATLÐ đối với cả người sử dụng lao động và NLÐ. Thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền về ATLÐ chứ không chỉ tập trung phát động phong trào rầm rộ trong một vài tuần lễ. Chú trọng xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các tổ, đội, bởi đây là lực lượng hướng dẫn và giám sát trực tiếp trên công trường. Các cơ quan quản lý cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng, xử phạt nghiêm. Ðể ngăn ngừa nhà thầu cố tình vi phạm quy định ATLÐ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng nâng mức phạt cao hơn so với hiện nay.

Có thể bạn quan tâm