Nhóm điều tra bao gồm các nhà điều tra đến từ Hà Lan, Australia, Bỉ, Malaysia và Ucraina, cho biết, các kết luận điều tra dựa trên hàng nghìn cuộc nghe lén, hình ảnh, các tuyên bố của nhân chứng và các cuộc giám định pháp y trong vòng hơn hai năm điều tra.
Theo kết luận điều tra, máy bay MH17 bị bắn bởi một tên lửa Buk-9M38 do Nga sản xuất, tên lửa được phóng từ ngôi làng Pervomaysk do lực lượng đòi độc lập ở miền đông Ucraina kiểm soát và bệ phóng tên lửa được chuyển từ Nga vào Ucraina.
“Bệ phóng tên lửa Buk được chuyển từ lãnh thổ Liên bang Nga (vào Ucraina) và sau khi tên lửa được phóng, bệ phóng này được đưa quay trở lại lãnh thổ Liên bang Nga”, Wilbert Paulissen, trưởng nhóm điều tra của cảnh sát Hà Lan nói.
Chính phủ Ucraina khẳng định, kết quả điều tra đã chỉ ra “sự liên quan trực tiếp” của Nga trong vụ việc.
Tổng thống Ucraina nói, “kết quả điều tra đã chứng minh hệ thống phòng không Buk đã được chuyển vào lãnh thổ của chúng tôi từ lãnh thổ của Nga và sau đó được đưa trở lại. Do đó, chúng tôi có bằng chứng vững chắc cho thấy ai là người đã gây ra và phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ucraina cũng khẳng định, “kết quả điều tra một lần nữa chứng tỏ sự liên quan trực tiếp của một quốc gia gây hấn trong vụ bắn rơi máy bay”.
Tuy nhiên, phía Nga đã bác bỏ kết quả điều tra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay MH17 không công bằng và mang động cơ chính trị.
Bà Zakharova cáo buộc, nhóm điều tra quốc tế đã không cho phép Nga tham gia chính thức vào quá trình điều tra. “Nhóm điều tra tiếp tục phớt lờ bằng chứng xác đáng do Nga cung cấp mặc dù thực tế Nga là quốc gia duy nhất cung cấp thông tin xác thực và tiết lộ thêm nhiều dữ liệu”, bà Zakharova nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga hy vọng “sau khi Nga cung cấp thêm những chứng cứ xác đáng như dữ liệu radar, tình hình sẽ thay đổi và kết quả điều tra sẽ phản ánh đúng sự thật khách quan và chỉ ra những thủ phạm thực sự gây ra thảm họa này”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cũng khẳng định chưa từng có hệ thống phòng không nào của Nga được đưa vào Ucraina, bao gồm cả hệ thống phòng không Buk.
Về phía lực lượng lượng đòi độc lập tại miền đông Ucraina, tướng Eduard Basurin thuộc Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk cũng đã bác bỏ kết luận điều tra. “Lực lượng thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk không thể bắn rơi máy bay từ một hệ thống phòng không Buk vì chúng tôi không có những loại vũ khí này”, tướng Eduard Basurin nói.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nói, kết quả điều tra là “một bước tiến nữa hướng tới việc đưa những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công vô nhân đạo này ra trước pháp lý”.
Máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia đã bị rơi trên đường bay từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) tại khu vực Donetsk, miền đông Ucraina vào ngày 17-7-2014. Toàn bộ 298 người trên máy bay đều thiệt mạng.