Tin mới nhận

Lập Tổ công tác đặc biệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4492/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 do Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh là Tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các "điểm nghẽn" trong giải ngân đầu tư công. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn; phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án.

Tổ công tác sẽ tổ chức giao ban chuyên đề, giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân, phấn đấu đạt được mục tiêu giải ngân đề ra năm 2021, góp phần thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế.

Tháo gỡ khó khăn cho năm huyện lên quận

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3599/UBND-NC về việc báo cáo tình hình thực hiện đồ án đầu tư, xây dựng năm huyện thành quận (gồm: Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng).

Thành phố yêu cầu giám đốc các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ các nhiệm vụ trong việc đầu tư xây dựng; đề xuất thành phố các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để xây dựng năm huyện thành quận… Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND năm huyện báo cáo kết quả đạt được cụ thể của từng tiêu chí lên quận; đánh giá những tiêu chí nào đạt, những tiêu chí nào chưa đạt; xây dựng lộ trình cụ thể thực hiện các nhiệm vụ còn phải triển khai để trở thành quận trong giai đoạn 2021 - 2025.

Các huyện ưu tiên bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án nhằm hoàn thành các tiêu chí lên quận trong năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025.

Bảo đảm hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Sở Công thương Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 4434/KH- SCT phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 39.000 tỷ đồng. Sở Công thương đã thống kê các kênh bán hàng truyền thống, các kênh bán hàng đa phương tiện với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, làm căn cứ chuẩn bị các kịch bản ứng phó cung ứng hàng hóa. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Công thương tổ chức khoảng 2.500 điểm làm kho và bán hàng lưu động. Đồng thời, chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu sang bán hàng hóa thiết yếu…

Sở Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ thực hiện tốt các quy định phòng dịch.