Mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới

Với mục tiêu đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới, Hà Nội xác định công tác đối ngoại là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thành phố mong muốn các đại sứ, tổng lãnh sự, trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục hỗ trợ, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Thủ đô ra nước ngoài và xúc tiến các hoạt động đầu tư, giao thương giữa hai bên.
 

Hiện đã có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào Hà Nội. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: NGỌC MAI
Hiện đã có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào Hà Nội. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: NGỌC MAI

Có thể thấy, những thành tựu trong sự phát triển của Thủ đô Hà Nội có sự đóng góp tích cực của công tác đối ngoại, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, văn hóa, thương mại, đầu tư và du lịch... Ðến nay, Hà Nội đã có quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới. Trong đó, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước. Các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, các phái đoàn ngoại giao, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế đều đặt trụ sở tại Hà Nội đã tạo cho các nhà đầu tư một mạng lưới liên lạc tốt nhất để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thu hút được 25 tỷ USD vốn FDI, đồng thời, dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn FDI trong hai năm 2018 - 2019. Hiện đã có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào thành phố Hà Nội. Hằng năm, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 16% GDP của thành phố.

Về thương mại, bình quân giai đoạn 2016 - 2019, mức tăng trưởng xuất khẩu của Hà Nội là 10,6%/năm. Ðối với việc phát triển du lịch, Hà Nội đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch với hơn 3.000 cơ sở lưu trú và các tiện ích đạt tiêu chuẩn quốc tế với mức chi phí hợp lý. Năm 2019, thành phố đón gần 29 triệu lượt khách, trong đó, số lượng khách quốc tế đạt 7,1 triệu lượt, tăng 17% so với năm 2018. Công tác đối ngoại văn hóa và đối ngoại nhân dân cũng được triển khai sôi nổi, phong phú về hình thức và đa dạng về đối tác qua nhiều sự kiện
văn hóa, lễ hội, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa của Việt Nam ra thế giới và giới thiệu những nét tinh hoa của văn hóa các nước tới người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thành phố xác định 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là những "cánh tay nối dài" của đất nước và của doanh nghiệp Việt Nam tại các địa bàn. Ðồng thời, khẳng định mục tiêu duy trì và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các thủ đô, thành phố, các tổ chức quốc tế trên thế giới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên cả ba trụ cột: ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa; tích cực chủ động hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực. Do đó, Hà Nội mong muốn trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ tiếp tục trở thành người bạn đồng hành, những sứ giả của Hà Nội, là nhịp cầu vững chắc, quan tâm, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ thành phố trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa cộng đồng quốc tế với Thủ đô Hà Nội.

Ðại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên hiệp châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo chia sẻ: "EU với 27 nước là đối tác quan trọng của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Dự kiến, sau khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu vào EU sẽ tăng lên 42% vào năm 2025 và 44% vào năm 2030. Các nước EU có tiềm lực rất lớn về tài chính, công nghệ nhưng đầu tư vào Việt Nam còn rất khiêm tốn. Về du lịch, mới có khoảng 1,5 triệu khách du lịch từ EU trong tổng số 18 triệu khách du lịch vào Việt Nam năm 2019, trong khi chúng ta có đường bay trực tiếp rất thuận lợi. Do đó, để nắm bắt dư địa hợp tác này, đề nghị Hà Nội xây dựng chương trình hợp tác với toàn bộ khu vực châu Âu nói chung và EU nói riêng, để các bên cùng ngồi bàn, tùy vào định hướng phát triển của Hà Nội và thị trường từng nước để xây dựng chương trình hành động cụ thể, tạo hiệu quả cao hơn".

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại các Khu Hành chính đặc biệt Hồng Công và Ma-cao (Trung Quốc) Phạm Bình Ðàm chia sẻ: Hồng Công đang là một trong năm nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Khu vực này cũng quy tụ tất cả các quỹ đầu tư lớn trên thế giới nên trong nhiệm kỳ ba năm, chúng tôi mong muốn tổ chức được một hội nghị xúc tiến đầu tư của Hồng Công vào Hà Nội.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, Bộ Ngoại giao và hệ thống 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội về thông tin thị trường, giới thiệu, kết nối đối tác nước ngoài; hỗ trợ thu xếp nhiều đoàn lãnh đạo chính phủ, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nước ngoài thăm, làm việc tại Hà Nội; hỗ trợ phát huy tiềm năng văn hóa đặc sắc của Hà Nội để quảng bá hình ảnh, phát triển Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ cho biết, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố lần thứ 17 đề ra các mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Trong đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới. Vì vậy, công tác đối ngoại là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tập trung triển khai. Thành phố mong muốn tiếp tục đón nhận ý tưởng và đóng góp ý kiến của đại sứ, tổng lãnh sự, trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; sẵn sàng tổ chức các hoạt động đối ngoại, đăng cai các sự kiện giao lưu văn hóa, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.