Trang bị cho sinh viên kiến thức về sở hữu trí tuệ

NDO -

Ngày 18/4, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam”. 

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Hội thảo đã thu hút đông đảo các thầy cô giáo và các sinh viên đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Ngoại thương, Đại học Lao động Xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Đại học Văn hóa, Đại học Ngân hàng… tham gia.

Hội thảo được tổ chức nhằm chào mừng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4). Sự kiện này cũng nằm trong chuỗi các hoạt động mà Việt Nam và các nước trên thế giới hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4) và Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (26/4). 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới năm nay là “Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lại tốt đẹp hơn” nhằm ghi nhận tiềm năng to lớn của giới trẻ trong việc tìm ra các giải pháp mới tốt hơn, hỗ trợ sự chuyển đổi đến một tương lai bền vững. Bằng sự sáng tạo và khéo léo của mình, những người trẻ tuổi ở Việt Nam và trên toàn thế giới đang thúc đẩy sự thay đổi và tạo ra những con đường đến một tương lại tốt đẹp hơn. 

Các hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay được Cục Sở hữu trí tuệ chú trọng triển khai tại các trường đại học - cái nôi nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng của đất nước. Hội thảo lồng ghép quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực bình đẳng giới là một cách làm mới nhằm phổ biến các kiến thức về sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng đến với các thầy, cô giáo, và sinh viên.

Hội thảo nhằm khơi dậy và khuyến khích sinh viên Việt Nam tích cực nghiên cứu khoa học trên tinh thần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới, đồng thời cũng là cơ hội để sinh viên bày tỏ quan điểm và mối quan tâm của mình đối với các lĩnh vực này. 

Tại hội thảo, các diễn giả tham dự hội thảo đã trình bày các vấn đề được các thầy, cô giáo và sinh viên quan tâm như: nhận diện tài sản trí tuệ trong trường đại học và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong sinh viên. Luật sư lê Xuân Lộc, luật sư thành viên Công ty luật Tileke và Gibbins (Việt Nam) cho biết, tài sản trí tuệ rất gần gũi, không có gì cao xa, đó có thể là: tài sản trí tuệ từ hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên; từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyên môn và ngoại khóa; hoạt động hợp tác với các đối tác bên ngoài…

Đây là dịp để trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ những vấn đề thắc mắc liên quan sở hữu trí tuệ thường gặp trong trường đại học. Các vấn đề đã được đề cập để các chuyên gia giải đáp như: Xác định thế nào là đồng tác giả trong các đề tài nghiên cứu; cách thương mại hóa tài sản trí tuệ là các kết quả nghiên cứu của các đề tài ở lĩnh vực khoa học xã hội…

Đại diện Cục sở hữu trí tuệ cho rằng, việc trang bị cho các sinh viên những kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ thông qua hội thảo rất thiết thực để sau khi ra trường họ vận dụng những kiến thức này trong quá trình lập nghiệp và tham gia phát triển kinh tế, xã hội.