Trăn trở bài toán phát triển làm ăn tại Nga

NDO - Triển lãm quốc tế Prodexpo 2023 về thực phẩm, đồ uống và nguyên liệu sản xuất diễn ra từ ngày 6-10/2 tại thủ đô Moskva, Nga quy tụ khoảng 2.000 công ty đến từ 35 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hàng hóa xuất xứ từ “dải đất hình chữ S” từ lâu không còn xa lạ với người dân Nga, nhưng để các doanh nghiệp lớn mạnh hơn nữa, vẫn còn nhiều trăn trở cần giải đáp, như những câu chuyện dưới đây.
0:00 / 0:00
0:00
Triển lãm quốc tế Prodexpo 2023 thu hút đông đảo các công ty tham gia.
Triển lãm quốc tế Prodexpo 2023 thu hút đông đảo các công ty tham gia.

Trong gian hàng nhỏ tại triển lãm, chị Phạm Vân Anh, Giám đốc Công ty Foodzone mang đến các loại nước ngọt, nước chấm, bún, phở, bánh hỏi… vốn được đặt sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam, sau đó đóng gói bằng bao bì nhãn mác riêng của công ty và xuất sang Nga.

Đây là cách làm không mới, nhưng để làm giàu tại thị trường Nga thì không phải đơn giản, dù trong bối cảnh người Nga chuộng thực phẩm châu Á.

Năm 2022, thị trường biến động do xung đột giữa Nga và Ukraine, song với công ty chị Vân Anh, lượng hàng tiêu thụ vẫn ổn định. Khi du lịch nước ngoài còn chưa thuận lợi như trước, nhu cầu thưởng thức các món ăn châu Á tại các nhà hàng trong nước hay tại nhà vẫn được duy trì tại Nga.

Sau năm 2021 trắc trở câu chuyện vận tải, đến năm 2022, nút thắt được gỡ dành cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở Nga. Nhiều công ty đã có thể chuyển hàng qua cảng Saint Petersburg. Chi phí hiện khoảng 7.500 USD-8.500 USD cho 1 container 40 feet, thời gian cập cảng khoảng 40 ngày. Ngoài ra, cũng có thể đưa hàng từ Việt Nam đến cảng Vladivostok, Viễn Đông Nga. Về thanh toán, nhiều ngân hàng tại Nga vẫn đang đáp ứng yêu cầu giao dịch.

Trăn trở bài toán phát triển làm ăn tại Nga ảnh 1

Gian hàng của Công ty Foodzone tại triển lãm.

Chị Vân Anh khẳng định, là doanh nghiệp bé, công ty chủ yếu phân phối hàng cho các quán ăn ở Moskva. Còn để nhập hàng vào hệ thống bán lẻ và chuỗi siêu thị Nga, chị lắc đầu: “Công ty chưa đủ tự tin. Đó là bước đi cần sự đầu tư rất lớn”. Chiến lược năm nay là tiếp tục tìm các nhà máy ở Việt Nam để làm ra những sản phẩm mới cung cấp cho thị trường Nga.

Công ty Foodzone của chị Vân Anh đầu tư mạnh vào bao bì, đóng gói, một phần để nâng tầm sản phẩm Việt. Công ty quyết tâm thay đổi quan điểm của một bộ phận người dân Nga cho rằng, Việt Nam chưa có nhiều mặt hàng cao cấp. Trăn trở của chị là mong muốn các nhà máy tiếp tục nâng cao trình độ sản xuất, để hàng hóa Việt Nam ngày càng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Nga.

Nói về hàng cao cấp hơn và đã phần nào chinh phục thị trường Nga, có thể kể đến thương hiệu Sen Soy của Tập đoàn Sostra có nhà máy đặt ở ngoại ô thủ đô Moskva, với thành tựu 20 năm xây dựng và phát triển. Sostra là doanh nghiệp của một số doanh nhân Việt Nam từng học tập ở Liên Xô (trước đây), mong muốn đưa tinh hoa ẩm thực Việt đến tận bếp ăn Nga.

Với gian hàng đặt ở vị trí trung tâm của khu thực phẩm triển lãm, Sen Soy phần nào chứng minh được tiềm lực tài chính. Hơn 300 mặt hàng để nấu các món châu Á như xì dầu, nước sauce... từ lâu đã làm nên thương hiệu ẩm thực châu Á Sen Soy.

Ngoài các mặt hàng công ty sản xuất ở Nga, Sostra cũng đặt gia công các sản phẩm từ Việt Nam, như bánh đa nem, bánh phở, bún, hàng ăn liền sang thị trường Nga. Bao bì, mẫu mã đẹp, hàng hóa Việt Nam với nhãn hiệu Sen Soy xâm nhập các chuỗi siêu thị và trở nên khá quen thuộc đối với người tiêu dùng Nga.

Trăn trở bài toán phát triển làm ăn tại Nga ảnh 2

Gian hàng Công ty Sostra được thiết kế đẹp mắt.

Ông Alexander Balanov, quản lý bán hàng khu vực của công ty nhấn mạnh, người Nga rất yêu thích các sản phẩm châu Á. Nhiều doanh nghiệp Nga nhận định, Việt Nam có nguồn nguyên liệu tốt, song văn hóa sản xuất chưa được như họ kỳ vọng. Cụ thể là chất lượng hàng hóa chưa đồng đều, mẫu mã, bao bì chưa ấn tượng. Tuy nhiên, hiện nay mọi thứ đang được cải thiện.

Sau 20 năm hoạt động, lãnh đạo Công ty Sostra khẳng định, càng làm càng thấy triển vọng và thêm hướng phát triển đối với thương hiệu ẩm thực châu Á. Trong bối cảnh Nga chuyển hướng sang phía Đông khi phương Tây tăng cường cấm vận, sản phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội hơn, do phong phú và thích hợp thị trường Nga. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có cách tiếp cận thị trường hiệu quả.

Tiếp cận thị trường cũng đang là câu hỏi quanh quẩn trong đầu Phan Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH thực phẩm và nước giải khát Vinut Việt Nam. Trong 3 năm vừa qua, nước ngọt của công ty này được bày bán tại nhiều nhà hàng Việt Nam, cũng như các cửa hàng phục vụ đồ ăn nhanh trên địa bàn thủ đô.

Sản phẩm nước uống đạt thành công bước đầu, song năm nay Hoàng Oanh mới đại diện công ty tham gia triển lãm Prodexpo, với hy vọng kết nối thêm nhiều đối tác, mở rộng thị trường. Trước đó, cô thừa nhận, sản phẩm của công ty đến được tay người tiêu dùng là nhờ các doanh nghiệp Việt Nam nhập hàng công ty và vận chuyển sang Nga.

Trăn trở bài toán phát triển làm ăn tại Nga ảnh 3

Gian hàng Công ty Vinut.

Nhận thấy Nga là thị trường tiềm năng với dân số hơn 140 triệu người, cùng với việc năm 2022 lượng tiêu thụ sản phẩm tăng không nhiều so năm 2021, công ty quyết định tập trung đẩy mạnh hàng hóa vào thị trường Nga. Chiến lược mà Hoàng Oanh đưa ra là tiếp cận các chuỗi siêu thị của Nga, song cách thức thực hiện vẫn đang là nỗi trăn trở lớn.

Sau khi tiếp khách thăm gian hàng ở triển lãm, Hoàng Oanh mở điện thoại, mò mẫm nghiên cứu các chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Nga. Trước mắt cô vẫn còn rất nhiều việc phải làm.