"Trận lũ" nhựa đã tràn đến Bắc Cực

NDO -

Một nghiên cứu của Viện Alfred Wegener, được công bố hôm 5/4 trên tạp chí Nature phát hiện ra tất cả các môi trường sống ở Bắc Cực, gồm các bãi biển, cột nước và đáy biển, cho thấy mức độ ô nhiễm nhựa ở đây tương tự như ở các các vùng đông dân. 

Vi nhựa trong tuyết ở Bắc Cực. Ảnh: Reuters.
Vi nhựa trong tuyết ở Bắc Cực. Ảnh: Reuters.

Tiến sĩ Melanie Bergmann, nhà sinh vật học tại Viện Alfred Wegener, cho biết: “Các hệ sinh thái ở cực bắc của chúng ta đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi biến đổi khí hậu. Điều này hiện đang trở nên trầm trọng hơn do ô nhiễm nhựa. Và nghiên cứu của riêng chúng tôi chỉ ra rằng tình trạng ô nhiễm tiếp tục trầm trọng hơn".

Mức độ nhựa được tìm thấy ở Bắc Cực đặc biệt đáng lo ngại vì khu vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Với 19 triệu đến 23 triệu tấn rác thải nhựa trong nước trên thế giới, nhựa vi mô và nano đang được tìm thấy trong tất cả các sinh vật biển.

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, các hạt nhựa sẫm màu trong tuyết có thể hấp thụ nhiều ánh sáng hơn, dẫn đến tan chảy nhanh hơn. Điều này có thể gây ra hiện tượng băng bị tác động bởi bức xạ mặt trời (ice-ocean albedo feedback), một vòng lặp xảy ra khi tuyết trắng ít hơn để phản xạ ánh sáng trở lại bầu khí quyển. Khi đó, phần đất tối hơn nhìn thấy được sẽ hấp thụ ánh sáng và nhiệt, gây ra hiện tượng nóng lên nhanh chóng hơn.

"Trận lũ" nhựa đã tràn đến Bắc Cực ảnh 1
 Ô nhiễm nhựa được ghi nhận trong hệ sinh thái Bắc Cực khác nhau. Nguồn: Nature.

Lũ nhựa đang tràn đến Bắc Cực qua một vài kênh như các dòng hải lưu từ Đại Tây Dương, Biển Bắc và Bắc Thái Bình Dương, cũng như các hạt nhựa do gió hướng Bắc thổi đến. Nước từ các con sông cũng mang theo nhựa về phía bắc, điều này góp phần gây ra ô nhiễm nhựa. Thêm nữa là ô nhiễm nước thải từ các cộng đồng ở Bắc Cực và các mảnh vụn nhựa từ lưới và dây thừng được ném ra từ các con tàu. 

Bà Bergmann cho biết: “Ở Bắc Cực cũng vậy, vi nhựa vô tình ăn vào có thể dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng và sinh sản, gây căng thẳng sinh lý và viêm mô ở động vật biển, thậm chí có thể xâm nhập vào máu của con người. Mới tháng trước, lần đầu tiên vi nhựa đã được tìm thấy trong máu người .

Theo một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Công nghệ Liên bang Akure ở Nigeria, với tốc độ hiện tại, sản lượng nhựa dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2034.

Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), Liên hợp quốc vừa được công bố cho thấy hành động chống biến đổi khí hậu là cần thiết ngay lập tức. Tháng trước, ở cực nam của hành tinh, một thềm băng ở Nam Cực có kích thước bằng thành phố Los Angeles đã sụp đổ.