Trấn áp tội phạm ma túy tuyến biên giới

Tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia dài khoảng 1.137 km, gồm 10 tỉnh biên giới của Việt Nam giáp với chín tỉnh biên giới Campuchia. Bên cạnh những thuận lợi về giao thương thì các đối tượng phạm tội đã và đang gia tăng các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia qua tuyến biên giới Tây Nam vào Việt Nam tiêu thụ, gây nên nhiều lệ lụy đối với xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Công an hai nước Việt Nam-Campuchia trao đổi về công tác đấu tranh, phòng chống ma túy tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Công an hai nước Việt Nam-Campuchia trao đổi về công tác đấu tranh, phòng chống ma túy tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều thủ đoạn tinh vi, manh động

Tháng 4/2023, tại các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Thuận và nước bạn Campuchia, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng Việt Nam và Campuchia đấu tranh chuyên án 568P, bắt giữ 12 đối tượng, thu giữ 44 kg ma túy tổng hợp các loại, 19 kg heroin cùng nhiều đồ vật tài sản khác có liên quan; đồng thời, phối hợp lực lượng chức năng Campuchia bắt giữ tám đối tượng, thu giữ 11 kg ma túy tổng hợp.

Tương tự, tháng 6/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp các đơn vị, lực lượng chức năng phá chuyên án 0323H tại Thành phố Hồ Chí Minh-đường dây sản xuất, mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy do Nguyễn Thị Hoài cầm đầu, bắt quả tang hai đối tượng đang vận chuyển ma túy; thu giữ tổng cộng 217 kg ma túy tổng hợp. Hiện, C04 đang thụ lý, điều tra vụ án.

Đó là một trong những chuyên án buôn bán ma tuý xuyên quốc gia được các lực lượng chức năng triệt phá trong thời gian qua. Đại tá Ngô Văn Hải, Trưởng phòng 1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết: Nguồn ma túy chủ yếu từ khu vực “Tam giác vàng” qua Campuchia thẩm lậu qua tuyến biên giới vào Việt Nam; sau đó, tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và vận chuyển đi nước thứ ba. Các đối tượng vận hành đường dây hết sức tinh vi, khép kín, sử dụng mạng xã hội, ứng dụng, trao đổi qua internet để thống nhất cách thức nhận hàng, vận chuyển,…

Mỗi mắt xích sẽ vận chuyển một quãng đường nhất định, các đối tượng không biết mặt nhau, sử dụng tên giả, ám hiệu để giao dịch. Ngoài ra, chúng còn thuê người đi trước dò đường, cảnh giới. Thủ đoạn cất giấu cũng thường xuyên thay đổi, tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Khi gặp lực lượng chức năng, các đối tượng rất manh động, chống trả để tẩu thoát.

Qua điều tra, theo dõi, công an nhiều tỉnh, thành phố giáp biên nhận thấy, các đối tượng phạm tội về ma túy chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và Campuchia lợi dụng địa bàn rộng, đường biên giới dài, có nhiều đường tiểu ngạch để hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng người nước ngoài lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu để móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” để sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Ma túy được mua bán, vận chuyển từ các tỉnh Kampong Cham, Prey Veng, Svay Rieng vào tỉnh Tây Ninh, một số đường dây khác được vận chuyển trái phép qua tuyến đường mòn dọc biên giới khu vực Tây Nguyên như Kon Tum, Đắk Lắc, Đắk Nông, Gia Lai; khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum; cửa khẩu Hoàng Diệu, Hoa Lư, tỉnh Bình Phước; địa bàn các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đưa vào nội địa tiêu thụ.

Theo Bộ Công an, lực lượng chức năng hai nước tiếp tục duy trì trao đổi thông tin về tình hình tội phạm ma túy qua đường dây nóng nhằm hỗ trợ xác minh, phối hợp đấu tranh chuyên án chung.

Cần phối hợp hiệu quả hơn nữa

Song song với các biện pháp nghiệp vụ, công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và các tỉnh thực hiện thường xuyên đến nhân dân, nhất là người dân khu vực biên giới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học; nhờ đó, người dân đã cung cấp cho lực lượng công an 2.907 tin báo liên quan đến an ninh trật tự, trong đó có 911 tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý 688 vụ, 770 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, công an 10 tỉnh tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia phát hiện 1.902 vụ, bắt giữ: 3.595 đối tượng, thu giữ: 65,6 kg heroin, 8 kg cần sa, 591,9 kg + 99.176 viên ma túy tổng hợp. Công an các đơn vị, địa phương của Việt Nam đã bắt giữ 413 vụ/754 đối tượng, thu giữ 406,42 kg ma túy tổng hợp, 6,015 kg ketamine, 42,472 kg heroin, cùng nhiều vật chứng khác có liên quan.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng hai bên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác phối hợp, trao đổi thông tin chưa thường xuyên liên tục, kịp thời. Nhiều yêu cầu phối hợp và phản hồi thông tin về đối tượng phạm tội về ma túy còn chậm, xử lý chưa triệt để; công tác xác minh lý lịch, điều tra những đối tượng là người Campuchia phạm tội về ma túy, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách của hoạt động điều tra tội phạm ma túy.

Kết quả phối hợp khám phá điều tra, bắt giữ các đối tượng chưa nhiều; hiệu quả phát hiện bắt giữ tội phạm ma túy khu vực biên giới và trong nội địa chưa cao, chưa tương xứng với tình hình thực tiễn. Số người nghiện ở các tỉnh biên giới vẫn tiếp tục tăng, công tác quản lý người nghiện và tổ chức cai nghiện chưa thực sự hiệu quả; tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy ở một số tỉnh vẫn tiếp tục tái diễn.

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết: Thời gian tới, hai nước tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng công tác trao đổi thông tin về tình hình kiểm soát ma túy thông qua đầu mối giữa hai nước và phối hợp điều tra, xác minh, bóc gỡ các đường dây ma túy, bắt giữ các đối tượng tội phạm và đối tượng truy nã về ma túy; đồng thời, tiếp tục phối hợp triển khai, mở các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy trên địa bàn biên giới hai nước.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Viện, công an các tỉnh giáp biên giới của hai nước và các địa phương liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai các tổ công tác để phối hợp đấu tranh, bóc gỡ các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy qua biên giới Việt Nam-Campuchia; trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, dựa vào quần chúng nhân dân để đấu tranh với tội phạm ma túy.