Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 6-2, tại Bến tàu khách Rạch Giá, hoạt động đi lại của người dân diễn ra bình thường, mất hẳn không khí sôi động của những ngày cận Tết. Hành khách, nhân viên các hãng tàu, người mua bán tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Hành khách đi tàu phải đeo khẩu trang, sát khuẩn và được đo thân nhiệt trước khi lên tàu.
Giá vé tàu khách không biến động so ngày thường. Cụ thể, giá vé tàu Phú Quốc Express, tuyến Rạch Giá - Phú Quốc có giá 340.000 đồng/vé cho người lớn, 270.000 đồng/vé cho người già và trẻ em. Tuyến Hà Tiên - Phú Quốc có giá 250.000 đồng/vé cho người lớn, 200.000 đồng/vé cho người già, trẻ em. Tuyến Rạch Giá - Hòn Sơn (Kiên Hải) có giá 170.000 đồng/vé cho người lớn, 140.000 đồng/vé cho người già và trẻ em. Tuyến Rạch Giá - Nam Du là 250.000 đồng/vé cho người lớn, 200.000 đồng/vé cho người già, trẻ em. Tương tự, hãng tàu Superdong cùng các tuyến trên chênh lệch nhau từ 5.000 đến 10.000 đồng/vé.
Mặc dù giá vé tàu không tăng, nhưng nhiều tuyến vẫn khá vắng khách. Trên chuyến tàu khách Superdong, tuyến Rạch Giá - Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương) lúc 8 giờ và tuyến về 13 giờ, ngày 5-2, chỉ hơn 20 hành khách mỗi lượt, mặc dù tàu có sức chức khoảng 200 hành khách, dù giá vé chỉ 160.000 đồng cho người lớn, giảm nhiều so giá niêm yết.
Một nhân viên kiểm soát vé tàu khách Superdong cho biết, có thể do tâm lý ngại đi lại trong mùa dịch, các chuyến tàu khá vắng khách khi rời bến. Tuyến Hà Tiên - Phú Quốc, nhu cầu vận chuyển hành khách ít hơn tuyến Rạch Giá - Phú Quốc và ngược lại. Tuyến này chủ yếu phục vụ vận chuyển hàng hóa, phương tiện vận tải, hiện vẫn diễn ra bình thường, không biến động về giá dịch vụ.
Hiện nay, khách đến Kiên Giang, chủ yếu là đi du lịch tại Phú Quốc, Hà Tiên, Hòn Sơn, Nam Du (Kiên Hải), Ba Hòn Đầm (Kiên Lương). Hiện đang thời cao điểm, nhưng lượng khách đến Kiên Giang tham quan du lịch khá trầm lắng so cùng thời điểm trước Tết Canh Tý 2020.
Anh Trần Văn Hoàng, ngụ xã Nam Du (Kiên Hải) cho biết, do biết tình hình khó khăn của dịch Covid-19, anh và nhiều chủ nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn không tăng giá phòng, nhưng tình hình hiện tại vẫn chỉ “lai rai”, việc khách đặt phòng trước Tết cũng ít. “Đây là thực trạng chung của những người làm du lịch ở Nam Du, Hòn Sơn. Ai cũng biết tình hình khó khăn do dịch bệnh nên ngại đi lại, nhất là từ khi dịch bùng phát tại Hải Dương và Quảng Ninh”, anh Hoàng cho biết.
Phú Quốc được xem là “thiên đường du lịch”, của Kiên Giang và cả nước, nhưng hiện tại cũng chịu cùng số phận. Nhiều công ty, nhà hàng, khách sạn lớn có các dịch vụ khuyến mãi đưa ra nhưng lượng khách đổ về dịp cuối năm rất thấp so cùng thời điểm năm ngoái.
Chị Trần Phương Hồng, một chủ khách sạn ở phường Dương Đông, TP Phú Quốc cho biết, khách liên hệ đặt phòng chỉ lai rai, ít hơn nhiều so mọi năm. “Thông thường khoảng gần một tháng trước Tết Nguyên đán, phòng đã được khách đặt kín. Còn như năm nay, số lượng phòng chưa đến 50%. Đã vậy, một số khách đã liên hệ xin hủy phòng”, chị Hồng nói.
Tại bãi biển Mũi Nai (TP Hà Tiên), lượng khách cũng khá thưa thớt. Nếu như mọi năm, đây là thời gian cao điểm, bãi tắm kín người. Lượng khách đến đây đa phần là khách trong tỉnh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Campuchia giáp biên với Kiên Giang.
Chị Phạm Thị Lan, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Khu du lịch Mũi Nai cho biết: “Những ngày này, khách đến tắm biển ít, do lượng khách Campuchia phải thực hiện việc phòng, chống dịch nên không thể nhập cảnh du lịch. Lượng khách đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng ít, chủ yếu khách nội tỉnh”.
Chị Quách Kim An (45 tuổi), ngụ huyện An Biên cho biết, cách đây hơn tháng, gia đình chị bàn bạc và định du lịch Phú Quốc dịp Tết Nguyên đán này. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên chị đã hủy chuyến đi. “Con tôi chưa một lần đi Phú Quốc nên rất háo hức. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh, đi gặp phải cảnh bị cách ly thì khổ. Có ham nhưng cũng đành chờ dịp khác vậy”, chị An bộc bạch.
Tâm lý của chị An cũng là tâm lý chung của nhiều người dân ở TP Rạch Giá. Chị Trần Kim Chi, ngụ phường Vĩnh Quang nói: “Tết này, gia đình không đi đâu xa, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch mà chính quyền đã khuyến cáo. Mùng một Tết về thăm cha mẹ, ông bà nội ở An Minh. Mùng hai Tết đến thăm ông bà ngoại ở ngay TP Rạch Giá. Chỉ vậy thôi”.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động du lịch, Sở Du lịch Kiên Giang đã có văn bản đề nghị các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, các khu, điểm du lịch trên địa bàn, chủ động các phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp Tết, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng đó, các đơn vị kinh doanh phải tuân thủ các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết. Các cơ sở lưu trú hằng ngày tham gia đăng ký và khai báo “An toàn Covid-19”, bảo đảm việc kết nối với hệ thống “An toàn Covid-19” quốc gia…
Ngoài ra, các huyện, thành phố có các biện pháp ngăn ngừa và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, hành vi làm giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, tùy tiện tăng giá, hủy hoại môi trường và kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm…
Ông Trần Quý Đảo, Giám đốc Bến xe - tàu Kiên Giang cho biết, đã chỉ đạo các cảng, bến xe, bến tàu tổ chức nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Theo ông Đảo, dự báo lượng khách đi lại dịp Tết Nguyên đán tăng bình quân từ 10-15% so ngày thường. Khách chủ yếu đến từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ về Kiên Giang và ngược lại sau Tết.
Các tuyến từ bờ ra đảo, như: Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc, Nam Du - Phú Quốc, dự kiến lượng khách tăng 10-15% so ngày thường và sau Tết, các tuyến này tăng chuyến từ mùng hai đến mùng 10 Tết. Riêng tuyến Phú Quốc - Thổ Châu, tàu Thổ Châu 09 - Phú Quốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đi lại dịp Tết.
“Xí nghiệm bến xe - tàu Kiên Giang chỉ đạo các cảng, bến xe bảo đảm trật tự 24/24 giờ, phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về vận tải hành khách và trật tự an toàn giao thông”, ông Trần Quý Đảo cho biết thêm.