Trong hoàn cảnh học tập, rèn luyện đầy căng thẳng với nỗ lực rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải bảo đảm nội dung và chất lượng đào tạo nhằm nhanh chóng cung cấp lực lượng phi công cho cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước ngày càng khốc liệt, cậu học sinh mới rời ghế nhà trường cố gắng dành riêng cho mình một góc nhỏ “khiêm tốn” và kín đáo. Những dòng nhật ký đầu tiên được đặt bút sau khi sang Liên Xô tám tháng, trang mở đầu nắn nót viết hai chữ “Đời bay” và được viết đều đến khi Nguyễn Đức Soát tốt nghiệp, về nước chiến đấu, ngừng lại ở ngày 31-12-1972, một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.
Người phi công trẻ ngày ấy đã viết chân thực, tình cảm về nhiều diễn biến, những kỷ niệm đáng nhớ, những dấu mốc quan trọng trong quá trình học tập, phấn đấu ở các địa chỉ đào tạo phi công tiêm kích bên Liên Xô; rồi về Trung đoàn không quân 921 anh hùng; rồi trực tiếp lái máy bay MIG-21 cùng đồng đội bay lên trời chiến đấu anh dũng, lần lượt bắn rơi sáu máy bay Mỹ với lòng quả cảm tuyệt vời!
Những dòng chữ từ cảm xúc cá nhân với suy nghĩ mà như tác giả bộc bạch - tự coi là rất “tiểu tư sản”, chỉ giữ riêng cho mình, lại chính là những suy nghĩ chung của cả một thế hệ phi công tiêm kích, rộng hơn là của nhiều lớp thanh niên ngày ấy: Sẵn sàng lên đường chiến đấu, không sợ khó, sợ khổ, không ngần ngại hy sinh vì Tổ quốc! Từ đáy lòng mình, lại được thể hiện hoàn toàn một mình trong những quãng thời gian ngắn ngủi, người chiến sĩ Nguyễn Đức Soát đã bộc lộ xúc cảm mãnh liệt khi nghĩ về trách nhiệm với đất nước, khi thể hiện tình yêu chân thành với những đồng bào giản dị, mến thương mà càng nhìn ngắm, anh càng thấy mình có trách nhiệm phải bảo vệ. Cả sự căm thù tột độ khi nhìn quê hương bị tàn phá mà từ đó, lửa của lòng quyết chiến càng thêm bùng cháy…
“Nhật ký phi công tiêm kích” (NXB Trẻ, năm 2020) từ những cuốn sổ ghi chép riêng đã trở thành cuốn sách của người chiến sĩ “trong chiến đấu ác liệt luôn kiên định, vững vàng, dũng cảm, mưu trí và có tinh thần lập công tập thể, là một chỉ huy giỏi luôn tạo cho đồng đội những điều kiện có lợi để tiêu diệt địch”. Đó là nhận xét của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân (AHLLVTND, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân). Đến dự lễ ra mắt sách tại Bảo tàng Phòng không Không quân, ông nhấn mạnh: “Cuốn nhật ký của anh đã để lại cho đời, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau một bài học quý”.
Những dòng nhật ký của Trung tướng phi công Nguyễn Đức Soát càng bộc lộ sự lãng mạn của một tâm hồn đẹp khi có rất nhiều đoạn thể hiện sự ngỡ ngàng, niềm hạnh phúc được tận hưởng những vẻ đẹp bầu trời, mặt đất quê hương. Những dòng, đoạn viết ấy, khiến cho nhiều người có mặt trong cuộc ra mắt sách, đã ưu ái gọi “có một nhà văn Nguyễn Đức Soát”. Có lẽ, đó chính là minh chứng rõ nét cho sự hài hòa của trái tim đa cảm trong tư thế vững vàng của người phi công chiến đấu, luôn xác định khi đã vào trận, có thể hy sinh bất kỳ lúc nào.
Và như Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ với đồng nghiệp, bạn đọc khi trong cuốn sách cũng thấp thoáng một nét dáng người con gái, rằng hồi đó, nhiệm vụ trực chiến liên tục và thời gian nghỉ phép hiếm hoi, có khi cả năm mới về nhà một lần, thì điều kiện để tìm hiểu, cũng như tâm trí dành cho tình yêu, cho một người bạn gái nào đó là quá đỗi hạn chế, bởi e ngại rằng, nhỡ mình có hy sinh, thì người con gái sẽ đau khổ, day dứt lâu dài.
Còn như Đại tá, AHLLVTND Lê Thanh Đạo, người đồng đội gắn bó với Nguyễn Đức Soát, thì hồi đó, tình yêu lớn nhất các ông đã dành cho bầu trời. Thậm chí có thể bỏ người yêu, bỏ vợ, nhưng không thể từ bỏ bầu trời, từ bỏ trọng trách lái máy bay chiến đấu. Tâm hồn, suy nghĩ của người chiến sĩ phi công, dường như có sự gắn bó đặc biệt với bầu trời, với những lần bay lên của mình.
Có lẽ cũng chính vì vậy mà thật xót xa khi chứng kiến, chịu đựng những tổn thất to lớn, là sự phá hoại của kẻ địch, sự mất đi đồng đội thân yêu. Phi công Nguyễn Đức Soát có nhiều dòng nhật ký buồn, đau, căm hận, day dứt, và cả xấu hổ khi địch giày xéo quê hương bằng bom đạn, khi đồng đội mình hy sinh. Có những phi công đối mặt với lực lượng máy bay địch quá áp đảo; có những người quả cảm chiến đấu truy kích, bắn cháy máy bay địch sau đó bị địch bắn trúng; có ngày, cả ba đồng đội đều hy sinh; có người như anh hùng Vũ Xuân Thiều, sẵn sàng làm “quả tên lửa thứ ba”, lao vào tiêu diệt máy bay B-52 của địch… Tất cả họ đều là những phi công lành nghề, những chiến sĩ được hun đúc, trưởng thành qua thực tiễn chiến đấu, ngày càng táo bạo, dũng cảm. Sự hy sinh của họ là nỗi cắt cứa lâu dài với những người ở lại.
Mời đến cuộc ra mắt sách đại diện ba gia đình liệt sĩ phi công AHLLVTND, trong đó có đại diện gia đình phi công Vũ Xuân Thiều, Trung tướng Nguyễn Đức Soát bộc bạch, rằng quyết định in cuốn nhật ký này, còn bởi trong đó ông đã viết về những đồng đội của mình, gồm cả những người đã không trở về sau ngày toàn thắng. Ông muốn tri ân đồng đội, và cũng để nhắc mọi người nhớ về những con người ấy, các liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, Hoàng Tam Hùng, Đặng Ngọc Ngự, Nguyễn Ngọc Hưng, Vũ Văn Hợp, Hoàng Thế Thắng, Nguyễn Thế Đức…
“Càng đọc càng say mê, thương yêu quấn quýt”, nhà văn Đỗ Chu viết ở cuối cuốn sách. Ông chia sẻ: “Và càng chắc chắn thấy đây đâu phải là cuốn sách thông thường của riêng ai, ấy mà xem, rồi ra nó sẽ thành một món quà tinh thần thuộc về toàn quân chủng không quân, toàn quân đội và đất nước”.
Nhiều người có cùng tình cảm này khi thấy rằng, cuốn sách của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, và một số cuốn sách khác về đề tài phi công chiến đấu gần đây như cuốn hồi ký “Lính bay” của Trung tướng, AHLLVTND Phạm Phú Thái, cuốn “Không chiến” của Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Nghĩa, cần được lan tỏa rộng rãi vào đời sống xã hội, nhất là đến bạn đọc trẻ, học sinh, sinh viên, để thế hệ trẻ thêm hiểu về những đóng góp của các thế hệ phi công chiến đấu trong việc bảo vệ vùng trời Tổ quốc, góp phần quan trọng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bảo vệ Thủ đô, bảo vệ miền Bắc và cùng làm nên chiến thắng vang dội của 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
Những cuốn sách như thế còn được kỳ vọng sẽ được tuyển chọn, trích dẫn để dịch, giới thiệu ra nước ngoài, giới thiệu rõ hơn với bạn đọc quốc tế về những phi công ưu tú của Việt Nam trong chiến đấu. Đồng thời, cũng nên đưa vào tài liệu, giáo trình giảng dạy của lực lượng không quân như những thí dụ cụ thể, sinh động về những chiến công, các kỹ thuật, chiến thuật, nghệ thuật và kinh nghiệm chiến đấu được rút ra từ thực tiễn huấn luyện, chiến đấu. Đó sẽ là những cứ liệu bổ ích cho thế hệ phi công hôm nay khi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Và như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, người đến với cuộc ra mắt sách để được gặp các anh hùng, được nhìn thấy, chạm vào những thần tượng của mình, thì đây là những tư liệu vô cùng quan trọng, chân thực và tin cậy để các văn nghệ sĩ hôm nay, mai sau có điều kiện khai thác viết nên những tác phẩm văn chương, nghệ thuật về đề tài chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mà trong đó, có những người phi công vừa là một người lính chiến đấu, nhưng cũng mang phẩm chất của một thi sĩ.
Ngày xuất bản: 22-12-2020
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - VIỆT ANH
Nội dung: HỮU VIỆT - QUANG HƯNG
Thiết kế đồ họa & kỹ thuật: ĐỨC DUY