Trong các hoạt động dịp nghỉ lễ, nổi bật nhất là không gian chợ vùng cao với ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian của các cộng đồng dân tộc Dao, Mông, Thái, Tày, Nùng... Trung tâm của chợ là các gian hàng với các sản phẩm nông-lâm nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, các món ăn ẩm thực đặc trưng của Mộc Châu, Sơn La; đặc biệt là không gian điểm nhấn múa khèn bên chảo thắng cố do chính những chủ thể văn hóa - đồng bào dân tộc Mông tỉnh Sơn La trình diễn; gian hàng quảng bá du lịch với chủ đề “Sơn La hãy đến và cảm nhận”.
Không gian chợ với 50 gian hàng (33 gian hàng chợ vùng cao, 10 gian nhà lá, khu vực nhà Phù Lá và các gian hàng nước) giới thiệu các sản vật địa phương của các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ba Vì (Hà Nội), ẩm thực truyền thống dân tộc.
Ngoài ra còn có không gian ảnh sắc màu văn hóa Tây Bắc với khoảng 40 bức ảnh được trưng bày giới thiệu dọc tuyến đường vào chợ vùng cao. Các bức ảnh này do Ban Quản lý Khu các làng dân tộc phát huy từ bộ tư liệu ảnh trước đây đã trưng bày triển lãm và 40 ảnh của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La với chủ đề “Nét đẹp vùng cao”.
Ngoài ra còn có Chương trình “Sắc màu chợ phiên” của cộng đồng các dân tộc tại chợ vùng cao phía bắc; giới thiệu nghệ thuật khèn của dân tộc H'Mông (Mộc Châu, Sơn La) từ 9-10 giờ và 14-15 giờ ngày 30/4 đến ngày 3/5 tại Không gian chợ vùng cao, Khu các làng dân tộc I; giới thiệu nét đẹp văn hóa qua nghề thủ công truyền thống của các nghệ nhân đồng bào tỉnh Sơn La từ 8 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 phút và 14-15 giờ ngày 30/4 đến ngày 3/5; tái hiện Tết nhảy của đồng bào dân tộc Dao từ 9-10 giờ ngày 30/4 tại Làng dân tộc Dao, Khu các làng dân tộc I; tái hiện Lễ hội cầu mưa của đồng bào dân tộc Thái từ 9-10 giờ ngày 2/5 tại Làng dân tộc Thái, Khu các làng dân tộc I; chương trình nghệ thuật Múa rối nước của Nhà hát Múa rối Việt Nam từ 9-10 giờ 30 phút và 15-16 giờ 30 phút ngày 1-2/5 tại Sân khấu rối nước, Khu vực làng Chài.
Đến “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc trong dịp này, du khách không chỉ được trải nghiệm không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa của vùng cao phía bắc, nơi mua bán, trao đổi hàng hóa và là nơi gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hóa với bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hoá dân tộc; trong đó là các hoạt động tái hiện như không gian trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén chúc tụng chia vui, không gian những cặp trai gái người H'Mông say sưa với những điệu khèn, các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như giã bánh dày, đánh quay (tu lu), leo cột, đẩy gậy... của các dân tộc huy động tỉnh Sơn La và các dân tộc đang hoạt động tại Làng tạo một không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng.
Các hoạt động với sự tham gia của khoảng 100 người của 13 dân tộc đang hoạt động hằng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: H'Mông (Hà Giang), Khơ Mú (Nghệ An), Thái (Sơn La), Tày, Nùng (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Dao (TP Hà Nội), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Xơ Đăng (Kon Tum), Ba Na (Gia Lai); Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng); khoảng 45 người của các dân tộc H'Mông, Dao, Thái (tỉnh Sơn La), khoảng 23-30 nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam…