Trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí

Thời gian qua, trong khi hầu hết cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ theo quy định trong giấy phép thành lập, bảo đảm thông tin trung thực, phù hợp với lợi ích đất nước và nhân dân, góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân,... lại xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực cần chấn chỉnh. Và ở đây, một trong các vấn đề hàng đầu là trách nhiệm của cơ quan chủ quản.

Những năm qua, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về số lượng và phạm vi phát hành các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, báo điện tử, đài truyền hình, số ấn phẩm, chương trình ngày càng tăng; chất lượng nội dung, hình thức, công nghệ in ấn, truyền tải thông tin được cải thiện; đội ngũ nhà báo và những người làm việc trong các cơ quan báo chí phát triển cả về số lượng và trình độ chuyên môn,... Báo chí đã tích cực thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền bảo vệ môi trường,... thông tin cảnh báo, phòng chống lũ lụt thiên tai; phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những thành tựu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và tệ nạn xã hội; đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, văn hóa; báo chí cũng góp phần quan trọng trong tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ, bảo vệ các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Trong công tác thông tin đối ngoại, báo chí đã góp phần làm cho người nước ngoài, người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài hiểu biết ngày càng rõ nét và đúng đắn hơn về đất nước, con người Việt Nam, về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ đó ngày càng nhận được sự đồng tình, ủng hộ đóng góp tích cực của nhân dân thế giới và nhiều người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...

Tuy nhiên, cùng với các ưu điểm, thành tựu, thời gian qua hoạt động báo chí còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể: một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, thậm chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời đối tượng phục vụ, thiên về phản ánh các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít thông tin, tuyên truyền điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước; khuynh hướng thương mại hóa báo chí theo kiểu giật gân, câu khách, thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng kỷ cương, đạo đức xã hội ngày càng tăng. Một số cơ quan báo chí chưa chú ý xây dựng và tuân thủ đúng quy trình tác nghiệp, thiếu nhạy bén trong xử lý các tình huống; thông tin sai sự thật, thậm chí có thông tin sai sót ở mức độ nghiêm trọng... Những ưu điểm, thành tựu cũng như các hạn chế, khuyết điểm của hoạt động báo chí thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân trước hết là do sự hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản.

Thực tế thời gian qua cho thấy, có tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát, kiểm tra của cơ quan chủ quản và dường như tự cho rằng "vô can" trước những sai phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền?

Không ít cơ quan chủ quản, nhất là một số tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp buông lỏng vai trò và trách nhiệm chỉ đạo, quản lý theo quy định đối với cơ quan báo chí thuộc quyền. Có nơi, cơ quan chủ quản sau khi xin giấy phép thành lập cơ quan báo chí đã "khoán trắng" cho cơ quan báo chí toàn quyền quyết định hoạt động, dẫn đến tình trạng có cơ quan báo chí lại không chịu sự chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản. Một số cơ quan chủ quản thiếu quan tâm, hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn, thậm chí còn yêu cầu cơ quan báo chí thuộc quyền đóng góp kinh phí hoạt động, lệ thuộc vào kinh phí của cơ quan báo chí; có trường hợp chưa tìm được cách tháo gỡ khó khăn, buộc phải giải thể cơ quan báo chí thuộc quyền. Nhiều trường hợp sai phạm của cơ quan báo chí xử lý không nghiêm hoặc giải quyết không dứt điểm, kịp thời các vụ việc tiêu cực trong cơ quan báo chí, có biểu hiện bao che cho người đứng đầu cơ quan báo chí, dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tác động tiêu cực tới cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Về việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý báo chí, một số trường hợp cơ quan chủ quản bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo không đúng quy định, hoặc người đứng đầu cơ quan báo chí mất uy tín nhưng vẫn không có phương án thay thế, khiến nội bộ cơ quan báo chí mất đoàn kết kéo dài; chưa quan tâm đúng mức tới công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí thuộc quyền. Có thể nói, vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, quản lý của một số cơ quan chủ quản báo chí hiện chưa được thực hiện đầy đủ. Trong lúc đó, tại Khoản 6, Điều 12 của Luật Báo chí nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí phải: "Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc".

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, tổ chức ngày 14-1-2014 tại Hà Nội, lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư phát biểu kết luận đã nhấn mạnh: Cần "quyết liệt chấn chỉnh, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân, câu khách. Các cơ quan chỉ đạo, nhất là cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản cần thật sự vào cuộc, kiểm tra, xử lý nghiêm, kể cả việc có thể rút giấy phép hoạt động đối với những cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, nhất là các ấn phẩm phụ, số chuyên đề, chương trình giải trí, trang thông tin điện tử không thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích, hạ thấp chất lượng văn hóa của báo chí, chạy theo lợi ích kinh tế một cách phi văn hóa, vô trách nhiệm với xã hội... Ở đây, vai trò cơ quan chủ quản là rất lớn, trực tiếp, có ý nghĩa quyết định". Như vậy, từ thực trạng của vấn đề, để cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, các cơ quan chủ quản báo chí cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý đối với các cơ quan báo chí thuộc quyền.

Trước hết, trên cơ sở những định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác báo chí, các cơ quan chủ quản cần tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, từ đó khẩn trương xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí của cơ quan, đơn vị, ngành mình theo hướng tinh gọn, thiết thực, hiệu quả. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí, ấn phẩm phụ, chương trình giải trí, trang thông tin điện tử xét thấy không cần thiết, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, hoặc sai phạm kéo dài.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan chủ quản đối với hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền. Coi trọng việc xây dựng tổ chức đảng trong cơ quan báo chí vững mạnh mọi mặt, đề cao vai trò, trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý trong cơ quan báo chí; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, định hướng hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, và chức năng, nhiệm vụ của người làm báo.

Điều đó bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo cơ quan chủ quản thông qua các chủ trương, định hướng, nhưng không dùng mệnh lệnh áp đặt hoặc "cầm tay chỉ việc" đối với cơ quan báo chí thuộc quyền.

Chú trọng việc thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí theo quy định tại Điều 12 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí và Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Để bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chỉ đạo, theo dõi hoạt động của cơ quan báo chí, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc, người đứng đầu cơ quan chủ quản cần phân công cán bộ lãnh đạo am hiểu Luật Báo chí và các quy định pháp lý về cơ quan báo chí và nghề làm báo trực tiếp phụ trách công tác báo chí để chỉ đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động và thông tin trên báo chí thuộc quyền. Đồng thời bổ nhiệm những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và am hiểu báo chí để giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan báo chí thuộc quyền. Kiên quyết không bổ nhiệm, luân chuyển các cá nhân chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ báo chí; chưa thật sự làm báo và qua công tác lãnh đạo, quản lý báo chí tham gia lãnh đạo cơ quan báo chí. Khi cơ quan báo chí thuộc quyền có sai phạm, lãnh đạo cơ quan chủ quản phải chủ động phát hiện và nhận trách nhiệm, đồng thời kịp thời, kiên quyết xử lý sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Xây dựng quy chế chỉ đạo, quản lý cơ quan báo chí phù hợp với đặc điểm, tính chất của cơ quan, tổ chức; quy định chế độ kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí và thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát các hoạt động báo chí một cách chặt chẽ và linh hoạt; định kỳ báo cáo về hoạt động của cơ quan báo chí với Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông. Công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan chủ quản góp phần giúp cơ quan báo chí phòng tránh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ.

Quan tâm tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý báo chí, nâng cao trách nhiệm chính trị nghề nghiệp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan báo chí và các phóng viên, biên tập viên; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tạo điều kiện giúp cho cơ quan báo chí ổn định về nhân sự, tài chính, thông tin đúng tôn chỉ, mục đích, đóng góp chung vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, ngành và của địa phương.

Trong công tác chỉ đạo, định hướng báo chí, nhất là với các vụ việc, sự kiện lớn, quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, cơ quan chủ quản cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Lãnh đạo cơ quan chủ quản trực tiếp phụ trách công tác báo chí có trách nhiệm phải tham gia đầy đủ các cuộc giao ban định kỳ giữa Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam để kịp thời chỉ đạo, định hướng thông tin trên báo chí; có biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, khuyết điểm của cơ quan báo chí; đồng thời, biểu dương, khen thưởng những cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền.

Cuối cùng, cần nhắc đến một yếu tố quan trọng là đạo đức báo chí. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc tu dưỡng đạo đức cách mạng cho người làm báo. Người chỉ rõ: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng" (Hồ Chí Minh Toàn tập- tập 10, NXB Chính trị Quốc gia, H.2005, tr.616), và "Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng" (Hồ Chí Minh Toàn tập -tập 9, NXB Chính trị Quốc gia, H.2005, tr.415). Để thực hiện tốt lời chỉ huấn của Người, thiết nghĩ cơ quan chủ quản báo chí cần đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý ở các cơ quan báo chí thuộc quyền, trong đó có việc xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp báo chí của cơ quan báo chí. Cơ quan chủ quản phối hợp Hội Nhà báo quan tâm đến cơ chế quản lý, cổ vũ thúc đẩy đạo đức báo chí trong quá trình xây dựng cơ quan báo chí và tác nghiệp báo chí.

Cùng với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí cần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo định hướng của Đảng và quy định của pháp luật nhằm góp phần quan trọng của mình vào việc phấn đấu xây dựng một nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp và hiện đại, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đáp ứng nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân.