Trà Vinh có 880 vận động viên tham gia hội thao công nhân, viên chức, lao động

Hội thao công nhân, viên chức, lao động tỉnh Trà Vinh lần thứ 29-năm 2024 diễn ra từ ngày 10-14/7, với 880 vận động viên, huấn luyện viên của 22 đơn vị là liên đoàn lao động các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành và tương đương, công đoàn cơ sở trực thuộc, công đoàn trực thuộc Công đoàn ngành Trung ương đóng trên địa bàn tham gia.
0:00 / 0:00
0:00

Các đơn vị, vận động viên tranh tài ở bảy môn thi đấu: Bóng đá mi-ni nam, bóng chuyền nam, bóng chuyền hơi nữ, bi sắt, cầu lông, chạy việt dã. Đây là hoạt động thiết thực lập thành tích chào mừng 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024); thúc đẩy phong trào tập luyện, thi đấu thể thao phát triển sâu rộng, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động.

Sơ kết thí điểm đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Tại thành phố Cần Thơ vừa diễn ra hội thảo sơ kết mô hình thí điểm thực hiện đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đề án thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ là địa phương xuống giống đầu tiên tại vụ hè thu (đầu tháng 4/2024) với diện tích 50 ha tại Hợp tác xã Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh). Năng suất lúa đạt từ 6,13-6,51 tấn/ha, tăng hơn 7% so với canh tác lúa truyền thống, lợi nhuận tăng từ 1,3-6,2 triệu đồng/ha nhờ giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Trà Vinh có 880 vận động viên tham gia hội thao công nhân, viên chức, lao động ảnh 1

Thu hoạch lúa chất lượng cao ở Hợp tác xã Tiến Thuận.

Cánh đồng còn giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường từ 2-6 tấn CO2/ha nhờ quản lý nước và rơm rạ trong quá trình canh tác. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, cánh đồng thí điểm 50 ha tại huyện Vĩnh Thạnh đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đề án. Kết quả mô hình cho thấy lượng giống gieo sạ giảm từ 140 kg/ha xuống 60 kg/ha, giảm số lần bón phân từ 3-4 lần/vụ xuống còn 2 lần/vụ, đồng thời giảm ít nhất 20% lượng phân bón vô cơ...

Long An lập hành lang bảo vệ nguồn nước

Ủy ban nhân dân tỉnh Long An vừa có quyết định phê duyệt danh mục nguồn nước trên 71 sông, kênh, rạch và 12 ao, hồ trong các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh phải lập hành lang bảo vệ. Nguồn nước này phục vụ dân sinh trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, định kỳ 5 năm, tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định. Sở Xây dựng không cấp phép xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang trong hành lang bảo vệ nguồn nước; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan giám sát hoạt động xây dựng kho bãi, bến cảng, cầu, phà, đường giao thông, các công trình ngầm và công trình kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi bảo vệ hành lang nguồn nước,…

Bến Tre có 102 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Đến nay, tỉnh Bến Tre có 102 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tám xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Chợ Lách đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, huyện Mỏ Cày Nam đạt chín tiêu chí và đang thực hiện hồ sơ thẩm tra để công nhận huyện nông thôn mới. Ngoài ra, phong trào “Ngày chủ nhật nông thôn mới” tiếp tục được tập trung thực hiện, thu hút khoảng 1,3 triệu lượt người tham gia với tổng kinh phí huy động 67,5 tỷ đồng. Bến Tre phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trà Vinh có 880 vận động viên tham gia hội thao công nhân, viên chức, lao động ảnh 2

Người dân tham gia “Ngày chủ nhật nông thôn mới” tại xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc.

Sóc Trăng điều chỉnh công nghệ khai thác cát sông

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, do điều kiện thổ nhưỡng nên cát sông khai thác tại mỏ MS05 thuộc hai xã An Thạnh Nhất, An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cần được qua công nghệ xử lý để chất lượng đạt yêu cầu xây dựng đường cao tốc. Sau khi được cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù, Tổng công ty Trường Sơn đã tiến hành khai thác cát từ ngày 30/6. Trong quá trình khai thác ghi nhận có một lượng cát nhất định, lượng cát thu hồi được không nhiều do cát lẫn bùn, làm năng suất khai thác giảm. Tổng công ty Trường Sơn đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép điều chỉnh công nghệ khai thác để thu hồi cát trong lớp bùn hiệu quả hơn.