Móng Cái bây giờ đã mang dáng dấp một đô thị khang trang và sầm uất. Khách du lịch, kinh doanh thương mại đổ về thị xã vùng Ðông Bắc này, nơi có chung 52 km đường biên giới với nước bạn Trung Hoa.
Sông Ka Long chia làm hai nhánh, một ngả chảy về phía Bắc Luân, còn ngả này qua Móng Cái và đường phân thủy là biên giới quốc gia. Ðứng trên cầu Ka-long nhìn sang bờ bên kia là thị trấn Ðông Hưng của nước bạn rồi.
Người dân Ðông Hưng buổi sáng đưa hàng sang chợ Móng Cái bán, chiều tối lại qua cửa khẩu về nhà. Sông Ka-long tấp nập trên bến dưới thuyền. Người dân sống hai bên bờ vốn có quan hệ họ hàng, là thông gia con cái gả cho nhau, thường qua lại ăn cỗ, thăm viếng lẫn nhau. Ðó là hình ảnh sinh động về một vùng biên giới hữu hảo, thanh bình.
|
Nhớ lại thời kỳ chưa mở cửa, Móng Cái khi đó còn mang tên huyện Hải Ninh, dân số khoảng 40 nghìn người sống trên diện tích 520 km2 mà mục tiêu chỉ là lo cái ăn để ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn trong nhiều năm vẫn là chật vật. Ngày mở cửa trở lại biên giới, mồng 5 tháng 2-1989, đúng vào 30 tháng Chạp âm lịch.
Sao lại chọn vào thời điểm đó? Ông Nguyễn My, Bí thư Huyện ủy Hải Ninh lúc đó giải thích vui rằng đó là thời khắc giao thừa, chuẩn bị sang năm mới, cũng là lật sang trang mới trong quan hệ ở vùng biên.
Ngày đầu mở cửa chỉ có 50 người Việt Nam sang qua biên giới, hôm sau có 4.000 người từ phía Ðông Hưng tìm sang Móng Cái thăm người thân và tính chuyện làm ăn. Một cửa khẩu Ka Long không đủ, huyện phải mở thêm cửa khẩu Lục Bằng.
Chỉ một thời gian ngắn, có tới 900 hộ từ các nơi về đây lập nghiệp. Nhịp độ đầu tư, xây dựng, kinh doanh, du lịch trở nên hối hả.
Chợ Móng Cái được xây dựng lại trên vùng đất lau sậy, rộng gấp ba lần chợ cũ, được hoàn thành trong thời gian kỷ lục: 9 tháng.
Có tới 1.500 hộ đăng ký kinh doanh ở chợ từ Trung Quốc sang với đủ chủng loại mặt hàng từ cái kim, sợi chỉ, quần áo, giày dép, hàng điện máy và thuốc bắc... Khi đó, hình ảnh các bà chủ sạp hàng (thường gọi là A Múi) mặc váy xếp ly, mắt một mí, che ô tha thướt, đi sau là ông chồng lực lưỡng, mũ nan rộng vành, quảy những lô hàng lớn vào chợ, vừa lạ mắt vừa kích thích sự tò mò, hấp dẫn.
Sau nhiều năm, bây giờ việc kinh doanh ở chợ Móng Cái đã đi vào nền nếp. Các cô chủ sạp hàng mặc trang phục như người Việt và nói tiếng Việt rất sõi, thể hiện sự "an cư". Tại một quầy hàng giày dép trên tầng ba, A Múi Huang kể rằng, cô đã sang chợ kinh doanh nhiều năm, hàng hóa đưa sang bằng ô-tô. Buổi sáng cô từ Ðông Hưng sang chợ bán hàng, chiều lại về nhà, hàng để lại sạp, đóng cửa chợ không lo mất mát.
Từ Móng Cái, ngược chừng 10km đến bãi biển Trà Cổ. Trên bản đồ Việt Nam, phía đông hướng ra biển, điểm đầu cực bắc, hay nói cách khác, nét chấm đầu tiên của chữ S yêu dấu đó là Mũi Ngọc.
Từ Mũi Ngọc, chạy dài 17 km theo mép biển, ấy là Trà Cổ. Bãi cát ở đây phẳng mịn như gương. Nước nông và xanh ngắt, buổi sáng có thể nhìn tận đáy. Trà Cổ vốn là tên của hai làng Trà Phượng và Cổ Chai ghép lại mà thành. Hầu hết cư dân ở đây vốn là dân chài vùng biển Ðồ Sơn (Hải Phòng) đến đây lập nghiệp từ bao đời, sống bằng nghề làm ruộng và đánh cá.
Ðình Trà Cổ, qua nhiều thế kỷ vẫn đứng vững trước thời gian và gió bão, là một di tích văn hóa tâm linh của người dân biển. Mặc dù du lịch, dịch vụ đang phát triển nhanh, nhưng ở đây thủy hải sản vẫn là nguồn lợi lớn.
Chỉ riêng vụ sứa năm nay, người dân Trà Cổ đã có nguồn thu khoảng bảy tỷ đồng. Tuy vậy, du lịch, thương mại dịch vụ mới là tiềm năng lớn, là hướng phát triển của riêng Trà Cổ và cả thị xã Móng Cái nói chung.
Ngày mới mở cửa trở lại biên giới, khách du lịch Trung Quốc kéo sang, dù các hoạt động dịch vụ còn sơ sài, giá thuê phòng khách sạn mỗi ngày đêm khi đó tương đương giá một tấn than. Nay, hàng loạt khách sạn đã được xây dựng vậy mà vẫn luôn kín chỗ. Ngay cả những ngày mưa trên bãi biển Trà Cổ vẫn đông nghịt khách. Ðặc biệt vào dịp bước sang năm mới, đông đảo khách du lịch Trung Quốc chọn nơi đây là chốn du xuân lý tưởng.
Cần nói thêm rằng kinh doanh dịch vụ ở bãi biển Trà Cổ khá văn minh: không có cánh chèo kéo, giành giật khách, giá cả cũng phải chăng, không có tình trạng lừa gạt, "chặt chém". Phải chăng nét hồn hậu, chất phác ấy cùng với bãi biển đẹp đã tạo nên sức hấp dẫn du khách không quản đường xa?
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nhanh chân tìm đến. Sân gôn quốc tế 18 lỗ Trà Cổ là sân gôn gần bãi biển đầu tiên trong cả nước mới hoàn thành, tạo thành quần thể du lịch thể thao cao cấp thu hút khách thương gia. Trên đường từ Móng Cái ra Trà Cổ, khu trung tâm thương mại dịch vụ Phượng Hoàng đang hình thành.
Trong tương lai, nhiều khu đô thị, các trung tâm thương mại, du lịch sẽ nối liền từ Móng Cái ra Trà Cổ. Thị xã Móng Cái đang từng bước trở thành một trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ, tài chính thanh toán quốc tế của tỉnh Quảng Ninh, là một trong những cửa ngõ thông thương giữa thị trường trong nước và thị trường Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của thị xã đạt 15%, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.000 USD.
Thị xã Móng Cái mới được công nhận là đô thị loại ba, với 17 đơn vị hành chính, dân số 79 nghìn người. Từ đây, có thể hình dung về diện mạo, phát triển một đô thị trẻ sầm uất, thanh bình vùng biên giới, nơi địa đầu Tổ quốc.