Thành phố Tuyên Quang có 15 đơn vị hành chính gồm 10 phường và 5 xã. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố Tuyên Quang đã chọn xã An Khang thực hiện chỉ đạo điểm (trong quá trình thực hiện đã bổ sung thêm xã Tràng Đà); đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp, phân công thành viên phụ trách từng tiêu chí, ban hành kế hoạch, lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới từng năm và kế hoạch nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo từng giai đoạn.
Ban Chỉ đạo đã nghiên cứu ban hành và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ để thực hiện song song với chính sách chung của Trung ương, của tỉnh, như: làm cống thoát nước ở khu dân cư; hỗ trợ xây dựng đường bê tông ngõ xóm; đề án hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, lát vỉa hè, trồng cây xanh công cộng tại khu dân cư; xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, phát triển sản xuất hàng hóa, giáo dục,… theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, người dân trong xây dựng nông thôn mới; thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Thành phố cũng đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được kết quả nổi bật. Hệ thống giao thông bảo đảm đạt chuẩn với 100% đường xã được nhựa hóa, bê-tông hóa; 88,1% đường trục thôn được bê-tông hóa; 112,2/121,1 km đường ngõ xóm được bê-tông hóa. Bảo đảm 91,6% diện tích đất trồng lúa 2 vụ trên địa bàn thành phố được tưới chủ động; 100% số xã có hệ thống điện đạt chuẩn, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Các trường học có khuôn viên đủ diện tích theo quy định trường chuẩn Quốc gia và có nguồn nước sạch hợp vệ sinh, có hệ thống tiêu thoát nước, sân chơi, bãi tập, khu nhà vệ sinh riêng bảo đảm theo quy định; học sinh được học 2 buổi/ngày; các xã có nhà văn hoá đa năng bảo đảm theo quy định; 62/62 thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao, sân thể thao, có trang bị một số thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí để trẻ em, người cao tuổi hoạt động văn hóa, thể thao. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội hàng năm tăng trên 12%/năm. Mạng lưới bưu chính, viễn thông, có dịch vụ điện thoại và internet băng thông rộng phục vụ 100% số thôn, xóm; các xã có mạng nội bộ và được kết nối Internet. Không có hộ ở nhà tạm, nhà dột nát; với 92,5% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Thành phố cũng đã tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên 96% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch, tạo thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng cây ăn quả diện tích 346 ha.
Các vùng sản xuất tập trung đã cho hiệu quả kinh tế cao cho lợi nhuận từ 200 - 400 triệu/ha/năm. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng/ha; đã hình thành được một số chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, như: mật ong Tuyên Quang, chè Ngọc thúy, bưởi Thái Long …; đến năm 2020, giá trị sản xuất trung bình trên 1ha đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 87,21 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người tại 5 xã đạt bình quân trên 40 triệu đồng/người/năm. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng đã giúp 554 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,63% năm 2015 xuống còn 0,66% năm 2019; từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn từ nông nghiệp chuyển dần sang lao động phi nông nghiệp, với tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 94%. Đến hết năm 2018, các xã trên địa bàn đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Tô Hoàng Linh, Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang cho biết, hơn 10 năm qua, thành phố đã huy động được tổng nguồn lực trên 570 tỷ đồng, trong đó nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp trên 22,8% để xây dựng nông thôn mới. Các nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với sản xuất và dân sinh như: Giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tập trung… Quá trình tổ chức thực hiện các dự án xây dựng cơ bản, bảo đảm xác định được nguồn vốn đầu tư nên không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với nguồn vốn xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách các cấp, các xã tập trung vận động nhân dân chủ động sửa chữa, xây dựng mới nhà ở bảo đảm đạt chuẩn, cùng nhiều hàng mục hạ tầng kinh tế - xã hội tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện, ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển và giữ vững vai trò chủ đạo, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân địa phương; văn hóa, y tế, giáo dục phát triển đồng bộ; môi trường được bảo vệ góp phần xây dựng thành phố Tuyên Quang ngày càng sạch - xanh - sáng - đẹp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.