TP Hồ Chí Minh: Sôi nổi hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

NDO - Trên chặng đường 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự đóng góp nhiều nỗ lực và thành tựu. Những dấu mốc trên hành trình ấy đã được Bộ Tư pháp ghi nhận tại Lễ hưởng ứng sự kiện này vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Ngày 17/10, Bộ Tư pháp phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam tại phường Hiệp Tân, quận Tân Phú.

Buổi lễ diễn ra trang trọng, hòa trong không khí sôi nổi của cả nước đang tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sự kiện ý nghĩa lớn lao với Thành phố

Trong 9 năm qua, kể từ khi Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương và Bộ Tư pháp tổ chức lễ công bố Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hà Nội ngày 8/11/2013, hằng năm, căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn tích cực có các biện pháp tổ chức, triển khai và thực hiện các hoạt động kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam. Có nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả từ Thành phố cho đến tận cơ sở, không gián đoạn ngay cả trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 phức tạp như năm 2021.

Theo phát biểu của đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố tại buổi lễ, có thể nói, sau 9 năm thực hiện, Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, đã trở thành sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc với cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

TP Hồ Chí Minh: Sôi nổi hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu phát biểu khai mạc.

Đồng chí Ngô Minh Châu nhấn mạnh, phong trào hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022 có các nội dung chủ yếu như: Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 thiết thực, hiệu quả, tăng cường khuyến khích, động viên các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy hơn nữa các sáng kiến, mô hình, giải pháp hiệu quả thiết thực và tôn vinh, nhân rộng khi tổng kết phong trào thi đua kỷ niệm 10 năm triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 tới đây trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng sáng tạo, đổi mới nội dung, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm quyền và các điều kiện tiếp cận rộng rãi thông tin.

Các chương trình, đề án, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố sẽ được tiếp tục triển khai, gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

“Với kết quả đã đạt được trong thời gian qua và sự tích cực, hưởng ứng nhiệt tình, sáng tạo của các cơ quan Trung ương, các địa phương, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 đã và đang trở thành sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa sâu sắc và góp phần to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, cũng như trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đất nước, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam”, ông Ngô Minh Châu nhấn mạnh.

Việc tổ chức Ngày Pháp luật phải thiết thực, hiệu quả

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương nhận định, trong thời gian qua, cùng các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương trong cả nước, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác tư pháp từ xây dựng pháp luật đến tổ chức thi hành pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực, qua đó đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm, Thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp từng ngành, lĩnh vực, địa bàn thu hút đông đảo sự quan tâm hưởng ứng của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

TP Hồ Chí Minh: Sôi nổi hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam ảnh 2

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh tặng bằng khen Bộ trưởng cho các tập thể và cá nhân phường Hiệp Tân.

Với những kết quả đó, Bộ Tư pháp quyết định lựa chọn Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 3 địa phương tiêu biểu làm điểm để tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại cơ sở.

Để tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng trở thành chuẩn mực trong ứng xử của người dân, hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, khuyến khích và vận động nhân dân tham gia vào hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật ngày càng gia tăng, Thứ trưởng đề nghị Thành phố cần tiếp tục tập trung triển khai 6 nhiệm vụ chủ yếu như thời gian tới. Cụ thể như: Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khả thi các chủ trương, đường lối của Đảng, các nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ nhà nước cấp trên giao.

Cần tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Xác định đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển, bảo đảm gắn kết chặt chẽ xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của người dân như lời Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

TP Hồ Chí Minh: Sôi nổi hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam ảnh 3

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu chú trọng công tác truyền thông chính sách pháp luật theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật.

Cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, hướng mạnh về cơ sở, bảo đảm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, lấy quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân là mục tiêu phục vụ, là điểm xuất phát cũng là đích đến cao nhất của pháp luật theo tinh thần “Pháp luật không bỏ ai ở lại phía sau”.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tạo tiền đề để tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả. Thực hiện hiệu quả Đề án về “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” theo Quyết định số 977 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát triển các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật mới, hiệu quả để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội và bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc tổ chức Ngày Pháp luật phải thiết thực, hiệu quả, xuất phát từ yêu cầu quản lý từng cấp, từng ngành ở địa phương mà cần đề ra nhiệm vụ tổ chức Ngày Pháp luật cho phù hợp để tiếp tục lan tỏa giá trị pháp luật trong đời sống xã hội. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung. Từ đó, tạo thói quen tìm hiểu pháp luật như là công việc hằng ngày, tự thân của mỗi người và của toàn xã hội; để ngày 9/11 không chỉ là ngày tôn vinh luật pháp, người làm công tác pháp luật, mà còn đi vào tiềm thức của toàn thể nhân dân về tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng nhắc đến nhiệm vụ tăng cường các dịch vụ pháp lý theo tinh thần cải cách hành chính, cải cách tư pháp và phát huy vai trò gương mẫu, chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, nhất là trong tuân thủ và chấp hành pháp luật của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

“Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu tổng quát phát triển Thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là “xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân, thành phố là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á”. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, chính quyền Thành phố và sự quyết tâm, nỗ lực toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và của người dân, Thành phố sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố, sớm hoàn thành mục tiêu đặt ra, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã bày tỏ niềm tin vững chắc tại buổi Lễ.

TP Hồ Chí Minh: Sôi nổi hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam ảnh 4

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Ngô Minh Châu, Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh, ông Phạm Minh Mẫn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Tân trao quà cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Tư pháp đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân của phường Hiệp Tân, quận Tân Phú có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

Thời gian qua, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn phường hoạt động ngày càng hiệu quả, thực sự là cầu nối đắc lực đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn phường đi vào nề nếp, có bước chuyển biến lớn về hiệu quả, chất lượng thực hiện, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương với phương châm hướng mạnh về cơ sở, từ cơ sở và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.