Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu cách thức đàm phán với Taliban

NDO -

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 19/8 cho rằng, chỉ có thể dựa vào mong muốn được cộng đồng quốc tế công nhận của Taliban để thúc đẩy thành lập chính phủ mang tính bao trùm và tôn trọng các quyền cơ bản, đặc biệt là đối với phụ nữ, tại Afghanistan.

Công dân Tây Ban Nha sống tại Afghanistan và công dân Afghanistan lên máy bay quân sự tại sân bay quốc tế Hamid Karzai để rời khỏi Kabul, ngày 18/8. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha/Reuters)
Công dân Tây Ban Nha sống tại Afghanistan và công dân Afghanistan lên máy bay quân sự tại sân bay quốc tế Hamid Karzai để rời khỏi Kabul, ngày 18/8. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha/Reuters)

Phát biểu ý kiến trước các phóng viên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết ông đã thảo luận vấn đề này với 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an trong cuộc họp kín ngày 16/8 vừa qua. Cũng tại cuộc họp kín này, ông Guterres đã kêu gọi Hội đồng Bảo an duy trì sự đoàn kết. 

"Điều rất quan trọng là cộng đồng quốc tế đoàn kết, tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an đoàn kết, tận dụng lực đẩy duy nhất hiện nay là mong muốn được công nhận tính hợp pháp của Taliban", ông Guterres nói.

Ông Guterres bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Taliban "khi biết rõ ông sẽ đối thoại với ai và vì mục đích gì".

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết thêm, các quan chức của Liên hợp quốc tại thủ đô Kabul đang duy trì liên lạc chặt chẽ với Taliban. 

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, việc hình thành một mặt trận thống nhất có thể thúc đẩy Taliban thành lập một chính phủ mang tính bao trùm, tôn trọng quyền con người, tiếp tục cho phép tiến hành các hoạt động sơ tán khỏi Kabul và ngăn chặn Afghanistan trở thành nơi "trú ẩn an toàn" của khủng bố.

Người đứng đầu các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức viện trợ quốc tế ngày 19/8 đã kêu gọi các nguồn tài trợ nhân đạo cho Afghanistan.

"Đây không phải lúc bỏ rơi người dân Afghanistan", Ủy ban Thường trực liên cơ quan (IASC) gồm ít nhất 18 cơ quan Liên hợp quốc và tổ chức viện trợ quốc tế cho biết trong một thông cáo.

Theo IASC, từ đầu năm 2021, 50% dân số Afghanistan, tương đương hơn 18 triệu người, cần được giúp đỡ. Số người cần được trợ giúp đã và đang tăng mạnh do xung đột, hạn hán và đại dịch Covid-19.

Trong diễn biến liên quan đến tình hình Afghanistan, Reuters dẫn lời một quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, hơn 18.000 người đã được sơ tán khỏi Kabul kể từ khi Taliban kiểm soát thành phố này.

Tình hình Afghanistan