Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia giải trừ vũ khí hạt nhân

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh không bao giờ được để xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân, vì chiến tranh hạt nhân không bao giờ dẫn đến chiến thắng và cuối cùng toàn thể nhân loại sẽ phải trả giá.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhân Ngày Quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, ở New York (Mỹ), ngày 26/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhân Ngày Quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, ở New York (Mỹ), ngày 26/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 18/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đi đầu trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân, trong đó có thỏa thuận không sử dụng trước loại vũ khí này.

Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, Tổng Thư ký Guterres nhận định vũ khí hạt nhân là loại vũ khí phá hủy mạnh nhất từng được phát minh, có thể hủy diệt toàn bộ sự sống trên Trái đất.

Ngày nay, loại vũ khí này ngày càng được phát triển về sức công phá, tầm bắn và khả năng tàng hình. Ông Guterres nhấn mạnh không bao giờ được để xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân vì chiến tranh hạt nhân không bao giờ dẫn đến chiến thắng và cuối cùng toàn thể nhân loại sẽ phải trả giá.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, một biện pháp duy nhất để ngăn chặn điều này là giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ông kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân dẫn đầu trong việc giải trừ trên sáu lĩnh vực. Theo đó, trước hết là tăng cường tính minh bạch và các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, dừng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Thứ ba, tái khẳng định cam kết không thử nghiệm hạt nhân để củng cố Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện.

Thứ tư, chuyển từ cam kết sang hành động cụ thể về giải trừ vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Thứ năm, cam kết không phải là nước sử dụng trước vũ khí hạt nhân trong mọi trường hợp. Cuối cùng, cần phải theo đuổi việc cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân.

Ông Guterres cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân ngày càng cao do căng thẳng địa chính trị hiện nay và kêu gọi Hội đồng Bảo an hành động hướng tới một thế giới không còn công cụ hủy diệt này.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cam kết khởi động khuôn khổ đối thoại mới nhằm đàm phán hiệp ước đa quốc gia về cấm sản xuất vật liệu hạt nhân làm vũ khí - Hiệp ước Cắt giảm vật liệu phân hạch (FMCT).

Sáng kiến này nhằm mục đích tăng cường sự chú ý chính trị đối với FMCT trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng chia rẽ về việc thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân, trong khi vẫn tồn tại lo ngại về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong các cuộc xung đột.

Theo Ngoại trưởng Kamikawa, sáng kiến là bước đi mới nhằm hiện thực hóa "Kế hoạch hành động Hiroshima" của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhằm giảm thiểu rủi ro hạt nhân.

Năm 1993, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton đề xuất FMCT tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhằm mục đích cấm sản xuất thêm vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân, trong đó có urani và plutoni được làm giàu cao.

Tuy nhiên, văn bản này chưa được hoàn thiện do bất đồng dai dẳng giữa các quốc gia liên quan.