Pháp: Hội đồng Hiến pháp phê chuẩn dự luật cải cách hưu trí

NDO - Ngày 14/4, Hội đồng Hiến pháp của Pháp đã phê chuẩn dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi được Chính phủ Pháp thông qua ngày 16/3, nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64. Các đảng phái đối lập đề nghị Tổng thống hoãn ký ban hành hành, còn các nghiệp đoàn khẳng định tiếp tục tổ chức biểu tình phản đối.
0:00 / 0:00
0:00
An ninh được tăng cường chung quanh Hội đồng Hiến pháp từ ngày 13/4. (Ảnh: Liberation)
An ninh được tăng cường chung quanh Hội đồng Hiến pháp từ ngày 13/4. (Ảnh: Liberation)

Hội đồng Hiến pháp cũng bác bỏ đề xuất trưng cầu dân ý của phe cánh tả về dự luật này.

Kết quả này đúng như nhận định của giới quan sát, cho rằng ít có khả năng Hội đồng Hiến pháp sẽ bác bỏ toàn bộ dự luật cải cách hưu trí. Như vậy, trong tổng số 36 điều khoản của dự luật, Hội đồng Hiến pháp đã xác nhận tính hợp hiến của phần lớn nội dung của dự luật, trong đó có điều khoản nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.

Có 6 điều khoản bị bác bỏ như quy định về tuyển dụng dài hạn đối với những người trên 60 tuổi hay cho phép về hưu sớm đối với những người được xếp loại làm việc rất tích cực trong vòng 10 năm trước khi tới tuổi nghỉ hưu.

Trong hai ngày tới, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ ký quyết định ban hành dự luật này.

Dự luật này được đưa ra từ tháng 12/2019, nhưng bị đình trệ do dịch bệnh. Vào đầu tháng 1/2023, Chính phủ Pháp quyết định tái khởi động kế hoạch cải cách này, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người lao động qua 12 đợt biểu tình rầm rộ trên toàn quốc.

Theo kế hoạch cải cách hưu trí, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng dần lên từ ngày 1/9/2023 với tỷ lệ tăng là 3 tháng cho mỗi năm tuổi và loại bỏ một số chế độ đặc biệt cho phép nghỉ hưu sớm với những người thuộc các ngành nghề như giao thông công cộng ở vùng Paris, Ngân hàng Nhà nước, công nghiệp điện và khí đốt. Tới năm 2027, tuổi nghỉ hưu sẽ là 63 và ở mức 64 tuổi vào năm 2030. Để được hưởng lương hưu đầy đủ, từ năm 2027, người Pháp phải làm việc đủ 43 năm.

Phát biểu sau khi có phán quyết của Hội đồng Hiến pháp, Thủ tướng Elisabeth Borne ghi nhận quyết định này, đồng thời nhận định rằng "không có người thắng hay kẻ thua." Còn Bộ trưởng Lao động Olivier Dussopt cho rằng quyết định này đánh dấu sự kết thúc của quy trình lập pháp và dân chủ sau nhiều tháng tham vấn và tranh luận tại Quốc hội.

Các đảng phái cũng có phản ứng khác nhau. Lãnh đạo đảng cánh hữu Những người Cộng hòa, ông Eric Ciotti kêu gọi "tất cả các lực lượng chính trị chấp nhận quyết định của Hội đồng Hiến pháp," đồng thời cho rằng việc bác bỏ một số điều khoản là sự cảnh báo về phương pháp làm việc của chính phủ. Ông Eric Ciotti cũng để nghị tổ chức một diễn đàn xã hội về sức mua và việc làm và cho rằng việc làm và sự phục hồi của nước Pháp phải là trọng tâm thảo luận chung của toàn xã hội trong những ngày tới.

Tổng Thư ký Đảng Xã hội, ông Olivier Faure cho rằng dự luật này rõ ràng là "bất công và cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục." Theo ông Jordan Bardella, Chủ tịch Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia Jordan Bardella, quyết định của Hội đồng Hiến pháp "hoàn toàn mang tính hình thức, không xem xét kế hoạch cải cách này dựa trên lợi ích của tất cả người lao động."

Ý kiến từ các đảng phái khác thuộc cánh tả cho rằng việc ban hành luật sẽ đưa nước Pháp vào cuộc khủng hoảng sâu rộng và kéo dài vì ngày càng có nhiều người phản đối, đồng thời đề nghị Tổng thống Emmanuel Macron xem xét khả năng đình chỉ việc ban hành luật.

Trong suốt mấy tháng qua, các nghiệp đoàn là lực lượng chính trong các cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn nước Pháp. Phản ứng từ các nghiệp đoàn vẫn rất gay gắt sau khi có quyết định của Hội đồng Hiến pháp. Có 8 nghiệp đoàn cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 17/4 để xem xét kế hoạch tiếp tục tổ chức biểu tình phản đối trong những ngày tới.

Pháp: Hội đồng Hiến pháp phê chuẩn dự luật cải cách hưu trí ảnh 1

Biểu tình diễn ra tại Paris (ảnh) và nhiều nơi khác sau khi có phán quyết của Hội đồng Hiến pháp. Ảnh: Le Monde.

Đối với đề xuất của Tổng thống về việc tổ chức một cuộc gặp với các đối tác xã hội vào ngày 18/4, một số nghiệp đoàn trong đó có CGT, CFE-CGC và CFDT khẳng định sẽ không tham gia thảo luận với Tổng thống cho đến khi rút lại dự luật. Các nghiệp đoàn cũng kêu gọi tất cả người lao động và cả người nghỉ hưu xuống đường phản đối cải cách hưu trí vào ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Quyết định của Hội đồng Hiến pháp xác nhận tính hợp hiến của dự luật cải cách hưu trí được coi là "chiến thắng của chính phủ," tuy nhiên tình hình hiện nay cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội của nước Pháp còn tiếp diễn.