Tổng thống E. Macron có đủ 500 phiếu bảo trợ để tái tranh cử

NDO -

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa tới vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 và dù chưa chính thức tuyên bố tái tranh cử, đương kim Tổng thống Emmanuel Macron là người đầu tiên đã có đủ 500 phiếu bảo trợ để có thể ra tranh cử.  

Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron đã có đủ 500 phiểu bảo trợ của đại biểu dân cử để tái tranh cử. Nguồn: Le Monde.
Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron đã có đủ 500 phiểu bảo trợ của đại biểu dân cử để tái tranh cử. Nguồn: Le Monde.

Theo thông báo ngày 3/2 của Hội đồng Hiến pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã nhận được 529 phiếu bảo trợ, nhiều hơn 424 phiếu so với danh sách bảo trợ đầu tiên được công bố vào ngày 25/1. Ngày 4/3 sẽ là hạn chót để các ứng cử viên nộp danh sách bảo trợ lên Hội đồng Hiến pháp.

Sau ông Emmanuel Macron là bà Valérie Pécresse, Chủ tịch vùng thủ đô Ile-de-France và là ứng cử viên của đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) và bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris và là ứng cử viên của đảng Xã hội (PS), với 324 và 266 phiếu bảo trợ. Ứng cử viên Fabien Roussel của Đảng Cộng sản Pháp (PCF) xếp thứ 4 với 159 phiếu.

Tổng thống E. Macron có đủ 500 phiếu bảo trợ để tái tranh cử -0
Kết quả thăm dò gần đây cho thấy Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron luôn chiếm ưu thế so với các ứng cử viên khác. Nguồn: BFMTV. 

Kết quả thăm dò trong nhiều tuần qua cho thấy Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron liên tục dẫn đầu so với các ứng cử viên của các đảng lớn thuộc cả cánh tả và cánh hữu. Quy định tập hợp và công khai danh sách bảo trợ của 42 nghìn đại biểu dân cử được cho là mang lại lợi thế lớn cho các ứng cử viên thuộc các chính đảng lớn, truyền thống và đang nắm quyền lực ở địa phương và trung ương. Trong số này có đảng LR, đảng PS hay đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron.       

Hiện có 45 người đã chính thức tuyên bố tự ra tranh cử hoặc được đảng của mình bầu làm đại diện ra tranh cử tổng thống. Có một số ứng cử viên đã từng tham gia các cuộc bầu cử tổng thống trước như bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) hay ông Jean-Luc Mélenchon thuộc đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI).

Dù ông Emmanuel Macron vẫn chưa chính thức tuyên bố ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 2, đảng LREM đã ra mắt website với tên gọi “Avecvous2022.fr" vào ngày 27/1. Đây được xem như bước đi đầu tiên trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2 của ông Emmanuel Macron.

Website “Avecvous2022.fr” không giống như bất cứ website tranh cử nào khác khi không có biểu trưng (logo) của đảng phái chính trị, không giới thiệu ứng cử viên tranh cử và cũng không có sự xuất hiện của các quan chức. Đây là diễn đàn mở, ghi nhận và trao đổi dưới dạng những thước phim nói lên mong muốn và lo lắng của người dân Pháp trong cuộc sống thường ngày trước các vấn đề kinh tế và xã hội.

Theo các nhà phân tích chính trị, đây là hướng đi có tính toán rất kỹ và tiếp tục gây bất như lần bầu cử trước của tổng thống đương nhiệm, tránh các hoạt động tranh cử rầm rộ mà thay vào đó là tập trung vào những vấn đề cuộc sống hiện đang được cư tri Pháp rất quan tâm sau suốt hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Năm 2017 ông Emmanuel Macron ra tranh cử với quan điểm không theo cảnh tả hay cánh hữu. Dù chưa phải là gương mặt chính trị nổi bật, ông đã giành thắng lợi áp đảo ngay trong lần đầu tiên ra tranh cử.

Trong các chuyến công tác địa phương gần đây, Tổng thống Emmanuel Macron chỉ cho biết sẽ công bố quyết định tranh cử vào thời điểm thích hợp.

Trong khi đó, cánh tả Pháp đang ở trong giai đoạn khó khăn do sự chia rẽ và các ứng cử viên được cho là không "nặng ký" bằng các đối thủ của cánh hữu. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cũng cho thấy quan điểm thiên hữu hiện vẫn chiếm số đông trong cư tri Pháp. Còn ứng cử viên Valérie Pécresse của đảng LR mất nhiều điểm trong các cuộc thăm dò gần đây.

Theo luật bầu cử của Pháp, Tổng thống được bầu trực tiếp từ người dân qua hai vòng bỏ phiếu. Một ứng cử viên trúng cử ngay từ vòng một nếu chiếm được một đa số tuyệt đối của các phiếu bầu. Kể từ năm 1965, chưa có ai trúng cử ngay từ vòng một, do vậy hai ứng cử viên được nhiều phiếu nhất tiếp tục tranh cử trong vòng hai.

Để có quyền tranh cử, các ứng cử viên phải có được 500 chữ ký ủng hộ của các đại biểu dân cử (các nghị sĩ châu Âu, nghị sĩ, thượng nghị sĩ thị trưởng, thành viên của hội đồng vùng và tỉnh, chủ tịch khu đô thị và các chính trị gia dân cử khác ở Pháp và nước ngoài). Mỗi ứng cử viên chỉ được vận động phiếu bảo trợ của tối đa 30 tỉnh hay vùng lãnh thổ hải ngoại và ở mỗi nơi không được có quá 50 phiếu bảo trợ để bảo đảm tiêu chí đại diện địa lý.

Kể từ ngày 2/2, một số hạn chế chống dịch được dỡ bỏ. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết đỉnh của đợt dịch thứ 5 đã qua với số ca nhiễm và bệnh nhân nặng giảm liên tục trong mấy ngày qua. Đây là dấu hiệu tích cực để nước Pháp khôi phục các hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đồng thời giúp các ứng cử viên tổng thống triển khai các chiến dịch vận động tranh cử.

Vòng một của cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 sẽ diễn ra vào ngày 10/4, tiếp đó là vòng hai vào ngày 24/4.