Tổng cục Thống kê lý giải nguyên nhân giá vàng liên tục lập đỉnh mới

NDO - Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh mới, ở trong nước, lãi suất tiết kiệm thấp nhất nhiều năm trở lại đây, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn là nguyên nhân khiến vàng trở thành kênh đầu cơ và kênh trú ẩn an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong báo cáo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý I/2024 phát hành sáng 29/3, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 4,59% so tháng trước; tăng 9,41% so tháng 12/2023 và tăng 22,71% so cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2024, chỉ số giá vàng tăng 18,23%.

Tính đến ngày 25/3/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.139,64 USD/ounce, tăng 5,21% so tháng 2/2024. Ngày 28/3/2024, giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh mới, đẩy giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên cùng chiều với giá vàng thế giới.

Lý giải cơn biến động của giá vàng, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân giá vàng thế giới tăng cao chủ yếu do các nhà giao dịch kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sau chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát; căng thẳng địa chính trị kéo dài và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Ngoài ra, ở trong nước, lãi suất tiết kiệm đang duy trì mức thấp nhất so nhiều năm trở lại đây; thị trường bất động sản không ổn định, thị trường trái phiếu có nhiều hoài nghi của người dân nên chưa tạo sự an tâm đầu tư khiến vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn và giá tăng cao.

“Giá vàng tăng liên tục và thường xuyên thiết lập đỉnh mới có thể gây hệ lụy đối với nền kinh tế Việt Nam vì khi đó, nhà đầu tư có xu hướng chuyển phần vốn của mình vào vàng để vừa đa dạng danh mục đầu tư, vừa hướng đến mục tiêu sinh lợi. Điều này sẽ làm cho nền kinh tế mặc dù thừa tiền nhưng thực ra lại thiếu tiền để phục vụ cho sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, một lượng tiền lớn không được đưa vào sản xuất kinh doanh sẽ khiến cho việc thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế trở nên khó khăn hơn”, bà Nguyễn Thu Oanh phân tích.

Về chỉ số USD-Index, Tổng cục Thống kê cho biết trên thế giới, giá USD tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo duy trì lãi suất trong biên độ 5,25%-5,5%. Tính đến ngày 25/3/2024, chỉ số USD-Index trên thị trường quốc tế đạt mức 103,5 điểm, giảm 0,35% so tháng trước.

Trong nước, nhu cầu USD của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu tăng, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.837 VND/USD. Chỉ số USD-Index tháng 3/2024 tăng 0,88% so tháng trước; tăng 1,81% so tháng 12/2023; tăng 4,32% so cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024 tăng 3,97%.

Nhận định về diễn biến tỷ giá, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ giá giữa USD và VND có biến động đáng lưu ý. Đó là tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố bắt đầu tăng từ giữa tháng 1, sau đó hạ nhiệt và tăng trở lại từ cuối tháng 2. Đặc biệt trên thị trường tự do, tỷ giá tăng khá mạnh và chênh lệch khá lớn với tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Có 3 nguyên nhân biến động tỷ giá. Một là do thị trường kỳ vọng FED sẽ trì hoãn hạ lãi suất điều hành, khiến đồng USD trên thế giới tăng lên và duy trì ở mức cao. Hai là chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức âm, nghĩa là lãi suất tiền Việt thấp hơn USD; ba là do nhu cầu ngoại tệ đầu năm lớn để phục vụ cho nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất.

Tổng cục Thống kê nhận định áp lực tỷ giá trong thời gian tới sẽ giảm dần vì nhiều tổ chức dự báo FED sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ giữa năm nay.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, phát hành tín phiếu VND để giảm bớt dư thừa thanh khoản của tiền Việt, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá.