Tôn vinh những danh nhân có công xây dựng đạo học

NDO - Việt Nam là đất nước có truyền thống hiếu học, trọng hiền tài lâu đời. Mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Trung tâm Hoạt động Văn hoá, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tôn vinh những danh nhân có công xây dựng đạo học, điển hình như các vị vua: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông…, nhà giáo Chu Văn An, Trạng nguyên Lương Thế Vinh…
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tìm hiểu về truyền thống hiếu học, trọng hiền tài của nước ta thông qua các tài liệu trưng bày.
Các đại biểu tìm hiểu về truyền thống hiếu học, trọng hiền tài của nước ta thông qua các tài liệu trưng bày.

Chiều 5/2, tại nhà Thái học, thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức khai mạc trưng bày “Khơi nguồn Đạo học”.

Hơn 300 tài liệu hiện vật chia làm bốn nội dung chính được giới thiệu theo dòng lịch sử để tái hiện lại cuộc đời và những đóng góp của các vị vua: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông; các danh nhân nổi tiếng có đóng góp trong xây dựng đạo học nước nhà như: Nhà giáo Chu Văn An, Hoàng thái hậu Ỷ Lan, danh nhân khoa bảng Lê Văn Thịnh, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh... Các nội dung trưng bày nêu bật truyền thống trọng hiền tài, các chính sách khuyến khích học tập của nước ta trong thời kỳ phong kiến.

Đạo học của nước ta gắn liền với việc ra đời và phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của nước ta. Bởi thế, trưng bày về các danh nhân cũng được kết nối nội dung với trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” thành một chỉnh thể, giúp công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử ra đời, phát triển của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và kết quả nền giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ.

Bên cạnh đó, thông qua các tài liệu, hiện vật liên quan đến các danh nhân, trưng bày sẽ tái hiện thành một không gian di sản văn hóa danh nhân để phục vụ tốt nhu cầu của khách tham quan tìm hiểu về những đóng góp của họ đối với giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị đối với đời sống xã hội hiện nay.

Tại lễ khai mạc trưng bày, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện đạo lý biết ơn với những người đi trước đã gây dựng nên những thành quả để lại cho các thế hệ sau này. Trưng bày là dịp để tri ân và tôn vinh công lao đóng góp của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã đặt nền móng cho sự phát triển nền quốc học, tạo nên lớp lớp trí thức trong xã hội Việt Nam thời quân chủ”.

Trưng bày có sự giúp đỡ chuyên môn từ các nhà khoa học Việt Nam, các chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp. Do đó, các thông tin được chuyển tải mang phong cách đương đại, mà vẫn trang trọng. Các nội dung trưng bày đều hướng tới thu hút khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ, thông qua các hình thức thể hiện có tính tương tác.