Tôn vinh nghệ nhân trồng đào, quất

Những cây đào, cây quất đẹp nhất đã hội tụ về khu vực Nhật Tân, Tứ Liên (quận Tây Hồ) trong Hội thi đào, quất cảnh cấp thành phố lần đầu được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức. Hội thi không chỉ tôn vinh những nghệ nhân tài khéo, tôn vinh thú chơi cây cảnh của người Hà Nội, mà còn là dịp quảng bá thương hiệu sản phẩm đào, quất của Thủ đô, qua đó thu hút khách du lịch, gia tăng giá trị sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Ban Giám khảo trao đổi, thảo luận để tìm ra những tác phẩm xuất sắc trong Hội thi quất cảnh truyền thống Hà Nội 2024.
Ban Giám khảo trao đổi, thảo luận để tìm ra những tác phẩm xuất sắc trong Hội thi quất cảnh truyền thống Hà Nội 2024.

Không khí xuân đã đến sớm bên những vườn đào, quất ven sông Hồng thuộc các phường: Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng - những “vựa” quất, đào của Thủ đô Hà Nội. Những nhà vườn đã tấp nập khách đến tham quan, đặt hàng và đợi ngày để đưa các loại cây cảnh về nhà đón xuân.

Năm nay, không khí của khu vực trồng đào, quất trở nên sôi nổi hơn khi các nhà vườn chọn những cây đào, cây quất đẹp nhất, được chăm sóc công phu nhất để tham gia Hội thi hoa đào truyền thống và Hội thi quất cảnh truyền thống do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổ chức.

68 cây quất thế từ các phường Tứ Liên, Phú Thượng đã tụ về Ủy ban nhân dân phường Tứ Liên để “đua tài”. So với những loại cây cảnh khác, cây quất khó tạo thế hơn, bởi lá to, quả thường sai và to, khó tạo tán “mịn”. Nhưng dưới bàn tay những nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm, hàng loạt dáng thế đẹp được tạo ra: ngũ phúc, tam đa, phượng vũ..., thậm chí, có cả cây mang tạo hình rất khó là “bạt phong hồi đầu” (thân cây nghiêng đi vì gió nhưng ngọn cây quay đầu lại).

Tuy nhiên, dáng, thế mới chỉ là một trong nhiều tiêu chí được đem ra để chấm giải. Các tiêu chí khác còn phải kể đến như: Độ tuổi của cây, bộ gốc, bộ rễ..., tất nhiên, không thể thiếu yếu tố “tứ quý”, gồm: Quả chín, quả xanh, hoa, lộc. Quả chín phải phân bố đều, da căng mọng... Đáng chú ý, trong các tác giả, có những nghệ nhân còn rất trẻ tuổi. Anh Lê Xuân Lĩnh, năm nay mới ngoài 30, nhưng đã có hàng chục năm gắn bó với nghề. Anh cũng tự tin đem những cây quất độc đáo nhất của mình đến so tài với các bậc tiền bối.

Từ 68 tác phẩm quất cảnh, Ban Giám khảo đã chọn ra 18 tác phẩm đẹp nhất lọt vào vòng chung khảo, từ đó chọn ra tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Chủ tịch Hội làng nghề quất cảnh Tứ Liên Ngô Thị Ngà chia sẻ: “Phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) là vùng đất nổi tiếng trồng quất cảnh của Hà Nội.

Nghệ nhân ở đây luôn sáng tạo trong việc trồng các loại quất cảnh, quất thế để cung cấp cho thị trường. Những năm trước, địa phương cũng đã tổ chức Hội thi quất cảnh, nhưng năm nay, hội thi được thành phố đứng ra tổ chức với quy mô lớn hơn. Chúng tôi rất vui khi được các cấp chính quyền quan tâm tổ chức hội thi, qua đó, quảng bá cho thương hiệu quất cảnh Tứ Liên và Hà Nội”.

Là vùng trồng quất cảnh truyền thống của Hà Nội, với khoảng hơn 400 hộ gia đình trồng quất, người dân vùng đất Tứ Liên luôn đi đầu trong những sáng tạo. Khoảng gần 10 năm trước, các nghệ nhân ở Tứ Liên đã hình thành trào lưu tạo ra quất bon-sai, đưa cây quất vào trồng trong các bình, lọ. Khi nhiều nơi học hỏi làm theo, trước áp lực cạnh tranh, người nghệ nhân Tứ Liên lại “đi trước một bước” khi tạo ra những tác phẩm quất ký đá (trồng trên đá), hoặc ký gỗ lũa.

Nét mộc mạc, nhuốm màu thời gian của đá, của gỗ tương phản với sức xuân của những mầm quất xanh mơn mởn tạo nên những tác phẩm giàu ý nghĩa. Bởi thế, quất cảnh Tứ Liên luôn có giá trị cao và có những tác phẩm chỉ cho thuê đã có giá tới hàng trăm triệu đồng. Bà Ngô Thị Ngà cho biết thêm, hiện nay, nhờ sự phát triển của công nghệ, nhiều người “chấm” quất qua mạng và người Tứ Liên không mấy khi phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.

Song song với Hội thi quất cảnh truyền thống ở Tứ Liên, 54 cây đào đẹp nhất từ hai phường Phú Thượng và Nhật Tân tụ hội về Bãi đá sông Hồng (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) để tham gia Hội thi hoa đào truyền thống. Đào và quất đều là thú chơi ngày Tết Nguyên đán, nhưng mỗi giống cây lại có những tiêu chí đánh giá riêng. Với hoa đào, những tiêu chí quan trọng nhất là dáng, thế, bộ rễ, bộ gốc, sức sống, mật độ của nụ, của hoa...

Những tiêu chí ấy có thể gói gọn trong bốn chữ “cổ, văn, kỳ, mỹ”, tức cây phải già, có thông điệp, dáng thế lạ và đẹp. Có những gốc đào cổ, thời gian đã lấy đi đến cả nửa thân cây, tạo ra những hốc cây lớn, nhưng nghệ nhân vẫn chăm sóc cho chúng giàu sức sống, sẵn sàng bung hoa đón Tết. Anh Nguyễn Quang Vụ, một người có cây đào khoảng 40 năm tuổi tham gia dự thi chia sẻ: “Ở Nhật Tân, chúng tôi đều là “người làng”.

Đây là dịp chúng tôi giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Gia đình tôi có vài nghìn gốc đào, thông thường mỗi năm cho ra thị trường khoảng hơn 1.000 gốc. Đến thời điểm này, giá đào có vẻ hạ hơn một chút so với năm ngoái. Nhưng chúng tôi hy vọng đến Tết, sẽ lại được giá”.

Ngoài tôn vinh tay nghề các nghệ nhân, Phó Giáo sư Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Nghiên cứu rau quả, thành viên Ban Giám khảo cho biết, cuộc thi còn nhằm tìm ra những cây đào, quất có gien quý, sức sống tốt, để từ đó nhân giống, phục vụ cho việc canh tác của người dân. Bởi thế, những cuộc thi như Hội thi hoa đào, quất cảnh truyền thống cần được mở rộng quy mô, để nâng cao thương hiệu cũng như nhân rộng những giống cây quý.