Tổn thương đa cơ quan do sốt mò, bác sĩ cảnh báo dấu hiệu bệnh không thể bỏ qua

NDO - Bệnh sốt mò là một bệnh do tác nhân Rickettsia tsutsugamushi, truyền sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng là sốt, sưng đau hạch (thường thấy ở hạch khu vực quanh vết mò đốt), phát ban ngoài da.
0:00 / 0:00
0:00
Vết loét điển hình do mò đốt.
Vết loét điển hình do mò đốt.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Lâm, Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, vừa qua khoa tiếp nhận và điều trị thành công cho 2 bệnh nhân sốt mò biến chứng suy đa tạng.

Bệnh nhân vào viện với biểu hiện sốt dài ngày, tổn thương đa cơ quan: suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương gan thận, ức chế tủy xương.

Cả 2 trường hợp đã được điều trị tích cực từ tuyến dưới nhưng chưa tìm ra được căn nguyên vi sinh gây bệnh vì vậy điều trị không đáp ứng.

Các bệnh nhân chuyển lên điều trị tại Khoa Hồi sức truyền nhiễm trong tình trạng suy đa tạng (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan). Các bác sĩ đã khám và phát hiện vết loét do sốt mò điển hình, được điều trị kháng sinh đặc hiệu (Doxycyclin) và điều trị hỗ trợ suy tạng.

Sau điều trị bệnh nhân đáp ứng tốt, hết sốt, các tạng hồi phục dần, và được xuất viện sau 2 tuần điều trị.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Lâm cho hay, một số dấu hiệu có thể gợi ý bệnh nhân bị sốt mò cần chú ý như dịch tễ sống hoặc có đi đến những vùng rừng, núi nhiều cây cối rậm rạp, đây là những nơi có ấu trùng mò trú ẩn. Ngoài ra, đặc trưng của bệnh này là sốt thời gian dài hay gặp từ 10 đến 14 ngày mà không có vị trí ổ nhiễm khuẩn rõ ràng

Bệnh nhân có sưng hạch vùng ngoại vi đặc biệt tại các vùng ẩm ướt như nách, bẹn. Kèm theo đó gần vị trí nổi hạch có vết loét điển hình do mò đốt (là vết loét có hình tròn hoặc hình bầu dục, nhẵn, bề mặt lõm, đóng vảy đen, không đau, không ngứa), tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp không phát hiện được vết loét

Kết quả xét nghiệm công thức máu thấy số lượng tiểu cầu giảm; xét nghiệm enzyme gan transaminase tăng.

Để phòng, tránh bệnh sốt mò, người dân cần hạn chế các hoạt động trong rừng núi khi không cần thiết. Nếu bắt buộc phải sống, làm việc trong điều kiện nguy cơ cao như vậy cần các biện pháp bảo vệ cơ thể tránh bị ấu trùng mò đốt: mặc đồ che kín cơ thể, tẩm hóa chất diệt côn trùng lên quần áo chăn màn, xịt thuốc vào không gian hoặc bôi thuốc xua đuổi côn trùng lên da.

Biến chứng thường gặp là viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương đa tạng dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, bệnh có thể được điều trị và phục hồi tốt nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.