Tọa đàm về Hiệp định Paris tại Pháp

NDO - Ngày 18/1, tại Trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Paris (Cộng hòa Pháp) diễn ra Tọa đàm về Hiệp định Paris cũng như mối quan hệ gắn bó giữa Pháp và Việt Nam dưới góc nhìn của những người trong cuộc.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Thérèse Nguyễn Văn Ký, nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, xúc động khi được xem lại những hình ảnh về hoạt động của Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam.
Bà Thérèse Nguyễn Văn Ký, nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, xúc động khi được xem lại những hình ảnh về hoạt động của Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam.

Ông Jean-Christophe Noel, chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu an ninh (IFRI) trình bày ý nghĩa của Hiệp định Paris về khía cạnh quân sự. Còn cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison và Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud thuộc Trường đại học Montpellier 3 đề cập khía cạnh ngoại giao và vai trò của Pháp trong công cuộc tái thiết ở Việt Nam sau khi ký Hiệp định Paris.

Theo các nhà nghiên cứu Pháp, thắng lợi từ việc ký kết Hiệp định Paris có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Cũng từ đó, quan hệ giữa hai nước phát triển nhanh. Ngày 6/6/1973, sau Hiệp định Paris, Pháp quyết định nâng quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên cấp sứ quán, thay cho phái đoàn của Pháp hoạt động từ những năm 1954. Quan hệ giữa hai nước không chỉ dừng ở lịch sử chính trị, ngoại giao, hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà còn là quan hệ nhân văn giữa hai dân tộc Pháp và Việt.

Hiệp định Paris không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, mà còn đi vào lịch sử đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, tự do, tiến bộ và công lý. Phong trào chống chiến tranh xâm lược phi nghĩa và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và lan rộng trên thế giới, nhất là trong giai đoạn diễn ra đàm phán Hiệp định Paris.

Tọa đàm về Hiệp định Paris tại Pháp ảnh 1

Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris tại Đại sứ quán Việt Nam ở Paris.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, Hiệp định Paris là một sự kiện lịch sử để Việt Nam đi đến đích, đó là giải phóng miền nam và thống nhất đất nước. Đàm phán Hiệp định Paris cũng ghi dấu sự ủng hộ to lớn của bạn bè và Việt kiều tại Pháp, những người đã hết lòng vun đắp cho quan hệ gắn bó giữa hai nước.

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, cuộc gặp gỡ với các nhà nghiên cứu và các nhân chứng không chỉ là dịp để ôn lại những kỷ niệm quý báu về một thời ủng hộ Việt Nam, mà còn nhìn lại quá trình phát triển của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Tọa đàm về Hiệp định Paris tại Pháp ảnh 2

Ông Michel Strachinescu và bà janine Rubin chia sẻ những kỷ niệm gắn bó với hai đoàn đàm phán Việt Nam.

Tại cuộc tọa đàm, nhân chứng đã chia sẻ những cảm xúc và đánh giá về sự kiện lịch sử cách đây 50 năm.

Ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Chủ tịch đặc trách đối ngoại của Hội người Việt Nam tại Pháp, đề cập đến sự tham gia của Việt kiều yêu nước tại Pháp gồm những người trực tiếp tham gia hai đoàn đàm phán, làm công việc hậu cần, an ninh... Việt kiều theo phong trào yêu nước tại Pháp khi đó đã trở thành một lực lượng hậu thuẫn rất hùng hậu, đóng góp tận tụy, chu đáo, đồng thời vận động sự ủng hộ của bạn bè Pháp và quốc tế hướng về công cuộc giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Bà Janine Rubin, tham gia công tác hậu cần, nhớ lại những tháng ngày giúp đỡ Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lưu trú tại thành phố Choisy le Roi. Khi đó bà chỉ có suy nghĩ là cố gắng chăm sóc các bạn Việt Nam như người thân trong gia đình, động viên và chia sẻ những lúc có khó khăn trong đàm phán hay nhận tin không vui từ quê nhà. Đến bây giờ đã 50 năm trôi qua, bà vẫn nhớ mãi những kỷ niệm thật đẹp với các bạn Việt Nam, tự hào được đóng góp một phần nhỏ bé để các bạn Việt Nam đấu tranh sớm giành lại hòa bình.

Còn ông Michel Strachinescu, người từng lái xe cho bà Nguyễn Thị Bình trong những năm tham gia đàm phán, xúc động nhớ lại những ngày tháng làm nhiệm vụ đưa đón các bạn Việt Nam đi đàm phán, hay gặp gỡ Việt kiều và bạn bè Pháp. Với ông, Việt Nam là một dân tộc vĩ đại. Ý chí, quyết tâm của Việt Nam trong lúc tham gia đàm phán cùng với sự đoàn kết quốc tế ngày càng lớn cho tới ngày ký kết hiệp định làm cho ông tin tưởng rằng đất nước Việt Nam sẽ sớm thống nhất.

Các học giả và nhân chứng bày tỏ vui mừng về những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết. Ôn lại những kỷ niệm về sự kiện lịch sử này vào thời điểm rất có ý nghĩa khi hai nước chuẩn bị tổ chức các hoạt động mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Tọa đàm về Hiệp định Paris tại Pháp ảnh 3

Giáo sư Pierre Journoud trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân, cho rằng ký kết Hiệp định Paris được coi là chiến thắng cả về mặt chính trị và chiến lược đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập và thống nhất đất nước.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, ông Pierre Journoud đánh giá: Tôi cho rằng ký kết Hiệp định Paris là một bước ngoặt quan trọng, có tính quyết định trong tiến trình đấu tranh đi đến hòa bình ở Việt Nam. Đó là dấu mốc lịch sử để chấm dứt sự hiện diện của quân Mỹ ở Việt Nam, tạo điều kiện cho hoạt động đấu tranh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam và trên hết là có ý nghĩa chính trị để thống nhất đất nước Việt Nam.

Nhân dịp này, ông Pierre Journoud giới thiệu cuốn sách "Biển Đông dưới góc độ sức mạnh mềm" được xuất bản cuối tháng 12/2022. Cuốn sách dày 438 trang, tập hợp các bài viết của các học giả, nhà nghiên cứu, chính trị gia người Pháp và Việt Nam chia sẻ quan điểm về cách giải quyết các vấn đề ở Biển Đông bằng những "sức mạnh mềm" thay vì dùng vũ lực. Theo ông Pierre Journoud, Việt Nam là một trong những điểm sáng vì biết vận dụng ngoại giao văn hóa và kinh tế để giải quyết các vấn đề và thách thức về biển.