Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kháng cáo liên quan đến thuốc diệt cỏ Roundup

NDO -

Tòa án Tối cao Mỹ ngày 21/6 đã bác đơn kháng cáo của Công ty Monsanto thuộc Tập đoàn dược phẩm Bayer, liên quan đến phán quyết trước đó của 1 tòa án California rằng sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup của hãng gây ung thư.

Thuốc diệt cỏ Roundup của Công ty hóa chất Monsanto được bày bán tại 1 cửa hàng ở Encinitas, California, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Thuốc diệt cỏ Roundup của Công ty hóa chất Monsanto được bày bán tại 1 cửa hàng ở Encinitas, California, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Tuyên bố của tòa không giải thích lý do tại sao không tiếp nhận đơn kháng cáo của Monsanto về phán quyết yêu cầu hãng phải bồi thường 25 triệu USD cho nguyên đơn Edwin Harderman, do ông này đã mắc ung thư sau khi sử dụng Roundup trong nhiều năm.

Quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ là đòn giáng mạnh đối với tập đoàn dược phẩm Đức trong nỗ lực pháp lý nhằm ngăn chặn khoảng 31 nghìn đơn kiện liên quan đến Roundup.

Trong 1 tuyên bố, Bayer khẳng định không nhất trí với quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ. Trong khi đó, luật sư của các nguyên đơn đã hoan nghênh quyết định trên, khẳng định sẽ mở ra con đường rõ ràng cho những người muốn kiện Monsanto để nhận bồi thường do các vấn đề liên quan đến sức khỏe.

Luật sư Matthew Stubbs của Công ty luật Duncan Stubbs cho biết sẽ tiếp tục đại diện cho hàng nghìn nguyên đơn liên quan đến Roundup, với một loạt vụ kiện ra tòa trong những tháng tới.

Tập đoàn Bayer đã mua lại Monsanto vào năm 2018 trong thương vụ trị giá 63 tỷ USD, đồng thời "thừa hưởng" những rắc rối pháp lý liên quan đến thuốc diệt cỏ Roundup của công ty này.

Hồi tháng 1, nhiều cổ đông của chính Bayer cũng đã đệ đơn lên 1 tòa án Đức yêu cầu hãng phải bồi thường 2,2 tỷ euro thiệt hại do những rắc rối sau thương vụ Monsanto.

Tại Mỹ, Bayer đã ký 1 thỏa thuận dàn xếp trị giá 10 tỷ USD với các nguyên đơn kiện Monsanto vào tháng 6/2020. Các bên cũng nhất trí bổ sung 2 tỷ USD để dàn xếp các vụ kiện trong tương lai. Tuy nhiên, điều khoản này đã bị 1 thẩm phán ở California bác bỏ.

Trong nỗ lực nhằm chấm dứt các rắc rối pháp lý, Bayer đã đưa ra 1 kế hoạch 5 điểm vào mùa hè năm 2021, khẳng định nếu thua vụ kiện Harderman tại Tòa án Tối cao Mỹ, tập đoàn này sẽ bắt đầu thảo luận với các nguyên đơn không nằm trong thỏa thuận năm 2020.

Sau quyết định mới nhất của Tòa án Tối cao Mỹ, giá trị cổ phiếu của Bayer đã giảm 2% trong phiên giao dịch 21/6.