Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử

NDO -

NDĐT - Chiều 24-11, Quốc hội đã thông qua qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Theo đó, Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.

Ảnh: toaan.gov.vn.
Ảnh: toaan.gov.vn.

Toà có thể tự thu thập, bổ sung chứng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

Về tòa án thực hiện quyền tư pháp, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết thi hành Luật này trình Quốc hội thông qua cho biết, Điểm c khoản 3 Điều 2 được chỉnh lý như sau: “Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Về nguyên tắc Tòa án nhân dân xét xử kịp thời, công bằng, công khai (Điều 11), Ủ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo chỉnh lý lại khoản 2 Điều 11 cho phù hợp: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.

UBTVQH cũng chỉnh lý dự thảo Luật để quy định về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán cao cấp (Điều 68); về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC (Điều 69) và Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp (Điều 73).

Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử

Theo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi), tổ chức Tòa án nhân dân gồm có: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án quân sự.

Nguyên tắc tổ chức của Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử.

Theo Khoản 2 Điều 6, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Điều 9 của Luật ghi rõ, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức đều bình đẳng trước Tòa án.

Điều 13 của Luật bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Theo đó, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử. Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo quy định của luật tố tụng.

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm.

Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.

Số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không dưới 13 người và không quá 17 người; gồm Chánh án, các Phó Chánh án Tòa nhân dân tối cao là thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Về giám sát hoạt động của Toà án nhân dân, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Toà án nhân dân theo quy định của luật.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước và có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

Nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là năm năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp đối với thẩm phán và nhiều chính sách khác. Nghiêm cấm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của thẩm phán và thân nhân của họ.

Kinh phí hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân các cấp do Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao. Trường hợp không thống nhất về dự toán kinh phí hoạt động của Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 11 chương, 98 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2015, trừ khoản 1 Điều 4, Điều 24, Điều 34, điểm b khoản 1 Điều 38, Điều 41, khoản 1 Điều 45, Điều 46, khoản 4 Điều 51, khoản 3 Điều 55, khoản 3 Điều 58, Điều 67, khoản 4 Điều 68, khoản 1 Điều 69, Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 73, khoản 2 Điều 95 thì có hiệu lực kể từ ngày 1-2-2015 và thay thế Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 33/2002/QH10.

Cùng với việc thông qua luật này, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức toà án nhân dân (sửa đổi).

Theo đó, kể từ ngày 1-2-2015 đến ngày Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm rà soát, chuẩn bị về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hết nhiệm kỳ kể từ ngày 1-1-2014 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến ngày 1-6-2015.

Từ ngày 1-6- 2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được thành lập theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) thực hiện.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án gồm cả Tòa án nhân dân cấp cao.

Thẩm quyền xét xử của tòa gia đình và người chưa thành niên được thực hiện theo quy định của các luật tố tụng mới.