Tổ nhân dân tự quản ở Ðồng Tháp

Với phương châm vì lợi ích của nhân dân, thực hiện bằng sức dân, do nhân dân tự quản, tự chủ, tự quyết và tự nguyện, thời gian qua, hoạt động của các tổ nhân dân tự quản ở tỉnh Ðồng Tháp đã tích cực góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Võ Thanh Liêm (thứ hai từ phải qua) cùng thành viên Tổ nhân dân tự quản số 28 trang trí lại kệ đặt giỏ hoa trên hè phố.
Ông Võ Thanh Liêm (thứ hai từ phải qua) cùng thành viên Tổ nhân dân tự quản số 28 trang trí lại kệ đặt giỏ hoa trên hè phố.

Đồng chí Mai Văn Nhơn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ðồng Tháp cho biết, tổ nhân dân tự quản trước kia là tổ dân phòng liên kết, phối hợp hoạt động giữa các hội, đoàn thể với hai nội dung trọng tâm là khuyến học và giữ gìn an ninh trật tự, được thực hiện ở một số nơi trên địa bàn. Năm 2014, Tỉnh ủy Ðồng Tháp chỉ đạo Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn các đơn vị thống nhất đổi tên là tổ nhân dân tự quản, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ, hình thức, nội dung hoạt động của mô hình này.

Tổ nhân dân tự quản số 28 thuộc khóm 2, phường 2, TP Cao Lãnh (Ðồng Tháp) gồm 25 hộ dân với 125 người sống liền kề ở khu dân cư, được xác định giới hạn đường Nguyễn Văn Trỗi, đường Hùng Vương, đường Nguyễn Trãi và đường Lý Tự Trọng. Cư dân ở đây chủ yếu làm nghề kinh doanh, buôn bán, dịch vụ. Theo chị Huỳnh Thị Bích Ngọc, một thành viên của Tổ nhân dân tự quản số 28, trước năm 2015, nơi đây còn tệ nạn trộm cắp vặt; một số hộ dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; tình trạng xây dựng nhà sai phép, trái phép vẫn diễn ra… Từ khi thành lập đến nay, Tổ nhân dân tự quản đã phát huy được tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cảnh quan môi trường văn minh, sạch đẹp của thành phố.

Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 28 Võ Thanh Liêm cho biết, Tổ có tổ trưởng, tổ phó và thư ký do nhân dân bầu ra, hoạt động theo Quy chế (được các thành viên xây dựng, thống nhất và được UBND phường phê duyệt). Hằng tháng, tổ trưởng, tổ phó và thư ký họp một lần và hằng quý họp các thành viên trong Tổ, có đại diện của chi bộ, tổ dân phố và lãnh đạo phường dự. Tại đây, mọi người cùng đánh giá kết quả những việc làm được để phát huy, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế và thống nhất giải pháp khắc phục. Những vấn đề nảy sinh, nổi cộm mà các thành viên của tổ khi phản ánh, đều được cấp ủy, chính quyền cơ sở lắng nghe, quan tâm, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Toàn tỉnh Ðồng Tháp hiện có 12.555 tổ nhân dân tự quản với gần 423.000 thành viên đại diện gia đình. Mỗi tổ có từ 6 hộ đến 150 hộ, tùy theo đặc điểm địa bàn dân cư trên cơ sở bảo đảm vừa dễ bàn bạc, dễ thống nhất, vừa tạo được sức mạnh tập thể. Thực tế cho thấy, thời gian qua, hoạt động của các tổ nhân dân tự quản ở Ðồng Tháp không những phát huy được dân chủ của mỗi người dân tại nơi cư trú, nhân lên truyền thống đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, mà còn góp phần làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức và tập quán sản xuất của người dân.

Bác Võ Hữu Hiền, thành viên Tổ nhân dân tự quản số 23, ấp Mỹ Hưng Hòa, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh chia sẻ: Tại các buổi sinh hoạt của tổ, chúng tôi vừa được tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lại vừa được cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kỹ thuật trồng xoài, xử lý cho xoài ra trái nghịch mùa. Một số thành viên trong tổ tham gia hùn vốn xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình khá hiệu quả. Ðến nay, huyện Cao Lãnh có hơn 1.870 tổ nhân dân tự quản với hơn 54.000 thành viên. Trong đó có 325 đảng viên làm tổ trưởng, 1.624 đảng viên phụ trách, 25% đảng viên cư trú tham gia sinh hoạt tổ. Tổ trưởng, tổ phó là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, có khả năng tuyên truyền, vận động, được các thành viên tín nhiệm. Thông qua tổ nhân dân tự quản, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng được tăng cường, các chủ trương, giải pháp của đảng ủy và chính quyền cơ sở đến nhanh hơn với người dân, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, giúp xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, gương điển hình trong cộng đồng. Huyện Cao Lãnh hiện có hơn 23.000 gia đình hiếu học và 16 dòng họ hiếu học ở các xã: Mỹ Long, Bình Thạnh, Nhị Mỹ, Mỹ Thọ, Phong Mỹ, thị trấn Mỹ Thọ; hơn 1.300 học sinh có nguy cơ bỏ học được vận động đã trở lại lớp; nhân dân xây dựng Quỹ hội khuyến học được hơn bốn tỷ đồng, quỹ tương trợ giúp nhau mua bảo hiểm y tế, phát triển kinh tế gia đình...

Đồng chí Nguyễn Tôn Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ðồng Tháp cho rằng, các tổ nhân dân tự quản trên địa bàn dân cư là "cây cầu" ngắn nhất nối giữa Ðảng, chính quyền, MTTQ với nhân dân, tô thắm thêm tình làng nghĩa xóm, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.