Tình yêu Tổ quốc

NDO -

Trong muôn triệu con tim đất Việt hướng về Ngày Quốc khánh và lịch sử hào hùng của dân tộc, bời bời niềm tự hào, tự tôn. Trong niềm tự hào, tự tôn ấy lại làm sinh ra thêm ý chí, nghị lực để cùng vun đắp cho cuộc sống, kê cao thềm đất nước, sánh với năm châu.

Chào cờ, hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam.
Chào cờ, hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam.

Mỗi chúng ta đều có cách yêu nước khác nhau và vươn lên trong cuộc sống. Biết tự trọng, chịu trách nhiệm trước bản thân mình và cố gắng khắc phục những khó khăn cá nhân để trở thành người có ích, với trước tiên là bản thân, cũng là cách yêu nước. Bởi khi cá nhân không biết tự trọng, không có trách nhiệm với bản thân cũng sẽ chẳng có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng. Từ đó mà sinh ra phiền nhiễu, làm ảnh hưởng đến người khác. Mỗi người chỉ cần làm ảnh hưởng một chút đến người khác, cộng lại, sẽ thành ảnh hưởng lớn, thành những trận bão đời. Nên mới có bài hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta...”.

Bao bài hát được sáng tác từ cảm hứng yêu nước, yêu con người. Bao lời hát đã quán xuyến và gói trọn tinh thần quật cường của người dân Việt Nam hàng thế kỷ qua. Từ lời ăn tiếng nói của người nông dân, từ câu hát ru, những việc làm thiện nguyện, sự sẻ chia, đồng cam cộng khổ. Từ người lính nơi biên thùy, hải đảo đến các bác sĩ cứu người, nhà giáo làm công tác dạy học. Từ chị lao công ngoài đường phố đến anh công nhân trên công trường, trong nhà máy… Những hình ảnh sáng đẹp trong lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được ngân lên hùng tráng. Tất cả là những lát cắt, nét vẽ để góp phần thành hình hài chiều dài văn hóa, lịch sử của đất nước.

Nên chúng ta trân trọng biết bao người nghèo khó, tật nguyền, vẫn gắng gỏi vươn lên, chẳng những có ích cho gia đình mà còn tạo phúc cho xã hội. Chúng ta rớt nước mắt cảm động trước bao việc làm đầy tính nhân văn của các thầy cô giáo cắm bản, cống hiến tuổi xuân cho vùng cao, dù cuộc sống thiếu thốn, vẫn chăm lo tốt cho học trò. Chúng ta xúc động vì có em học sinh nghèo vẫn học tập xuất sắc, đạt giải cao trong các kỳ thi, hay thành quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Chúng ta nể phục những cậu học trò giàu lòng thương người, sẵn sàng cõng bạn đến trường để bạn được tiếp cận con chữ, khỏi phải thất học… Đó là cuộc sống và giá trị sống. Đó là tình yêu nước và cảm hứng yêu nước. Là giá trị để cuộc sống này trường tồn. Đâu nhất thiết phải nói rằng tôi yêu nước thì mới là yêu nước.

Cha ông ta đã đổi mồ hôi, xương máu để bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước. Mỗi người có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ. Không lợi dụng lòng yêu nước và không để lòng yêu nước bị lợi dụng. Chúng ta không nói suông mà cần hành động. Các nhóm bạn trẻ nhặt túi ni-lông, làm giảm rác thải nhựa, đấu tranh với nạn ô nhiễm môi trường cũng là yêu nước. Đứng về phe yếu, bảo vệ lẽ phải là yêu nước. Đến vùng xa xôi, chia sẻ với chiến sĩ nơi biên cương, giúp đỡ mảnh đời nghèo, giúp em bé được đến trường học là yêu nước. Yêu nước còn là từ bỏ những định kiến cá nhân, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Hay còn là bỏ thói “chém gió” trên mạng xã hội, a dua, đặt điều, làm nhiễu loạn thông tin, đưa tin sai sự thật, và hãy làm những điều đúng đắn, theo lợi ích chung của cộng đồng.

Mừng thay, lòng yêu nước đã được nhân lên, thành tinh thần, truyền thống quý báu của dân tộc, thành giá trị vĩnh hằng để mỗi khi nhắc đến Tổ quốc linh thiêng, chúng ta tự hào nói lên, mình là người Việt Nam.