Theo phân tích của hãng tin Reuters, trong tuần qua số ca bệnh đã giảm trên 19 bang của Mỹ so với 1 tuần trước, nhất là ở các bang bị ảnh hưởng nặng nề như New York và New Jersey. Ở vùng đông bắc, nơi chứng kiến số ca bệnh tăng cao nhất trong làn sóng lây nhiễm gần đây nhất, tỷ lệ nhiễm giảm mạnh 40%.
Trên phạm vi toàn quốc, mức giảm thấp hơn với số ca bệnh mới được báo cáo giảm 7% trong cùng khoảng thời gian, dù các ca nhiễm Omicron vẫn tăng mạnh ở một số khu vực khác.
Ở vùng trung tây Mỹ, số ca mắc bệnh tăng 11% trong 7 ngày qua và tăng 2% ở miền nam, mặc dù mức tăng đã chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây. Các bang phía tây ghi nhận số ca nhiễm mới giảm 3% so với tuần trước.
Trên toàn quốc, các ca mắc mới trong ngày vẫn ở mức cao, khoảng 738 nghìn ca/ngày, giảm từ mức cao kỷ lục trước đó là 805 nghìn ca ghi nhận vào ngày 15/1.
Số ca tử vong do Covid-19 hiện ở mức trung bình hơn 2.000 ca mỗi ngày, tăng 50% so với đầu tháng, chủ yếu xảy ra ở những người chưa tiêm phòng Covid-19. Đây là mức trung bình cao nhất kể từ cuối tháng 9 năm ngoái, nhưng thấp hơn kỷ lục 3.300 ca tử vong/ngày vào tháng 1/2021.
Số ca nhập viện tăng lên mức kỷ lục vào thứ năm tuần trước với 152.746 ca, song đã có dấu hiệu ổn định ở mức trung bình khoảng 150 nghìn ca trong tuần qua.
Tuy nhiên, giới chức y tế Mỹ vẫn không quá lạc quan về tình hình dịch bệnh hiện tại, nhất là khi nhiều bệnh viện trên cả nước vẫn đang phải gồng mình chống chọi với đợt tăng đột biến các ca nhiễm do Omicron gây ra.
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, đang cử lực lượng quân y đến 6 bang để trợ giúp các bệnh viện trước sự gia tăng các ca bệnh và tình trạng thiếu nhân viên y tế.
Chính phủ Mỹ cũng đã bắt đầu cung cấp cho người dân kit xét nghiệm Covid-19 miễn phí tại nhà, cùng hàng triệu khẩu trang N95 để phòng, chống đại dịch.
Sự lây lan nhanh chóng của Omicron trong kỳ nghỉ đông đã buộc nhiều người Mỹ phải trì hoãn các kế hoạch dần trở lại cuộc sống bình thường. Các lớp học bị hủy hoặc hoãn ở một số khu vực, do thiếu giáo viên và nhân viên do nhiễm bệnh hoặc thực hiện các yêu cầu về an toàn phòng dịch.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thủ đô Washington D.C đang siết chặt hơn các quy định phòng dịch trong trường học, đồng thời khuyến khích tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ Rochelle Walensky nêu rõ, vaccine đã chứng minh hiệu quả gần 91% phòng ngừa bệnh Covid-19 ở trẻ em trong độ tuổi này. Các tác dụng phụ không nhiều như đối với người lớn, chủ yếu là đau bắp tay ở vị trí tiêm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 17,9% trong nhóm tuổi này được tiêm chủng đầy đủ.
CDC Mỹ cũng cảnh báo các bậc cha mẹ không nên chủ quan với biến thể Omicron bởi khả năng lây nhiễm cao của biến thể này. Các số liệu mới nhất cho thấy tổng số ca nhiễm ở trẻ em ở mức cao nhất là 580 nghìn ca, cao hơn gấp đôi so với mức cao nhất trong mùa hè năm ngoái. Tỷ lệ nhập viện của trẻ em Mỹ cũng đang tăng mạnh, nhiều trường hợp trẻ em chuyển nặng là do sự kết hợp của biến thể mới với tình trạng sức khỏe của trẻ có bệnh nền.
Trên phạm vi toàn cầu, theo trang thống kê worldometers.info, trong tuần qua, thế giới có thêm trên 21,7 triệu ca mắc Covid-19, tăng 4% so 1 tuần trước đó, trong khi số ca tử vong tăng 5%, với thêm 53.543 người không qua khỏi.
Cùng với Mỹ (trên 4 triệu ca), Pháp (2,5 triệu ca) và Ấn Độ (2,1 triệu ca) nằm trong nhóm 3 nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong tuần. Tiếp đó là Italia 1,1 triệu ca và Brazil trên 1 triệu ca.