“Có người học thì phải có giáo viên đứng lớp”
Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) nêu tình trạng hiện nay có một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố khác do tăng dân số cơ học quá lớn dẫn đến số học sinh tăng cao mỗi năm. Thông thường, khi số học sinh tăng thì phải tăng số giáo viên, nhưng những địa phương này lại không được tăng biên chế giáo viên mà trái lại phải giảm biên chế 10% theo lộ trình tinh giản biên chế. Điều này dẫn đến nút thắt cho địa phương trong việc vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ về giáo dục đào tạo mà vừa thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, xu thế tiến bộ chung là một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít thì chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc trong điều kiện nước ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức đơn vị sự nghiệp nhất là đối với ngành giáo dục. Do đó, cần phải có giải pháp để khắc phục những khó khăn trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, hiện nay phần lớn các địa phương phản ánh là số giáo viên không đủ để đứng lớp. Để giải quyết vấn đề này Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị và đã có Kết luận 9028. Theo đó, bước đầu đã giải quyết được 19 địa phương, trong đó di cư tập trung ở năm tỉnh khu vực Tây Nguyên và 14 tỉnh, thành phố lớn có khu công nghiệp tập trung. Tháng 8 vừa qua, Bộ Nội vụ đã phân cho các tỉnh này để giải quyết cho giáo viên mầm non có hợp đồng trước ngày 30-10-2015 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn ngày 7-11.
Bên cạnh đó, thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ thì Bộ Nội vụ cũng đã thông báo cho 63 tỉnh, thành phố thống kê lại tất cả lực lượng giáo viên còn thiếu từ tuyến tỉnh trở xuống để báo cáo thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị là “có người học thì phải có giáo viên đứng lớp”. Theo thống kê bước đầu, số giáo viên các cấp còn đang thiếu là 87.000 giáo viên.
Bộ Nội vụ đã báo cáo và xin chủ trương của Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống xác minh cụ thể ở từng địa phương và sẽ có đề xuất với Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế phục vụ đúng chủ trương có người học là phải có giáo viên.
Sẽ có nghị quyết riêng về biên chế giáo viên
Về giải pháp thực hiện tinh giản biên chế trong sự nghiệp giáo dục hiện nay, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng trước hết phải tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đó là cái gốc của vấn đề.
“Trước tiên là phải sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp theo hướng một đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiều dịch vụ công chứ không phải một dịch vụ công mà nhiều đơn vị sự nghiệp làm”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhận định.
Đối với các trường thì sẽ tiến tới một trường có nhiều cấp học. Đồng thời phải giảm tỷ lệ số biên chế làm gián tiếp, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp xuống, và tăng số biên chế trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy lên đạt 65%.
Đối với ngành giáo dục, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết phải thực hiện cả ba chỉ tiêu là vừa giảm biên chế, vừa giảm số đơn vị trực thuộc và vừa phải bảo đảm xã hội hóa. Nhưng thực hiện được cả ba chỉ tiêu này cũng không dễ dàng.
“Giảm người hưởng lương từ ngân sách có thể thực hiện được nhưng để giảm biên chế của giáo dục 10% theo tôi chúng ta nên đẩy mạnh xã hội hóa sẽ tốt hơn”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tham gia giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, liên quan đến sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn các địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp các trường, lớp, các điểm trường lẻ, các trường phổ thông có nhiều cấp học. Đặc biệt, khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập, cần phải tính toán để bảo đảm được những yêu cầu về mặt chuyên môn sư phạm khoa học với mục đích là bảo đảm chất lượng giáo dục.
Do đó, trong hướng dẫn thực hiện thì các địa phương có thẩm quyền sắp xếp trên nhu cầu và điều kiện cụ thể chứ không phải sắp xếp cơ học, cho nên có nhiều địa phương làm tốt, nhưng cũng có địa phương làm vội, sắp xếp cơ học dẫn đến không bảo đảm điều kiện cho dạy và học.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp Bộ Nội vụ xây dựng một nghị quyết tham mưu cho Chính phủ về biên chế giáo viên, bảo đảm hợp lý. Theo đó sẽ có lộ trình giảm theo hướng giảm cán bộ quản lý và phục vụ, còn đối với giáo viên thì tăng, nhưng có tăng cũng phải hợp lý.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Không cào bằng trong tinh giản biên chế