Tình đất, tình người trong tác phẩm của Trần Minh Thương

NDO - Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, vừa cho ra mắt hai tác phẩm “Vấn vương hương vị bánh quê” và ‘Dư vị miền xưa” của tác giả - thầy giáo Trần Minh Thương. Cả hai tác phẩm đề cập đến văn hóa miền quê, phong cách sống và ẩm thực tinh hoa của dân tộc Việt, nhất là nếp sống của bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long.
0:00 / 0:00
0:00
Bìa hai tác phẩm mới của tác giả Trần Minh Thương.
Bìa hai tác phẩm mới của tác giả Trần Minh Thương.

“Dư vị miền xưa” với hơn 420 trang, 22 bài tản văn lấy văn hóa dân gian làm trục chính, tác giả đã đưa người đọc hồi tưởng về miền xưa ở vùng quê sông nước. Ở đó, độc giả sẽ gặp lại cảnh sinh hoạt từ gia đình cho đến làng xóm từ lúc trời rực sáng, đến trưa, đến chiều, và tối … Với những cây đèn dầu leo lét, bên mái nhà lợp lá đơn sơ, mẹ dỗ con ngủ, trai gái rủ nhau giã gạo, gánh nước, chẻ tre đan sàng, đan rổ, vót câu, các cụ bà sàng gạo, vá may, các cụ ông uống trà kể chuyện đời xưa cho con cháu nghe. Và đó gần như là hình thức giải trí phổ biến nhất.

Dần về sau, anh em trong xóm rủ nhau đi nghe máy hát đĩa, coi cải lương bằng cái vô tuyến trắng đen của nhà nào đó có điều kiện trong xóm… Rồi cũng trong bóng tối đó, chuyện ma nhát, ma giấu cũng đã không ít lần được người ta truyền miệng cho nhau nghe. Thậm chí, cả chuyện ma quá giang trên những chiếc ghe, chiếc xuồng rủ nhau đi chợ.

Tình đất, tình người trong tác phẩm của Trần Minh Thương ảnh 1

Bìa cuốn "Dư vị miền xưa".

“Dư vị miền xưa” sẽ khiến cho người đọc nhớ mãi những kỷ niệm từ thuở ấu thơ, những câu chuyện ông bà cha mẹ kể, đến những nỗi nhớ quê nhà thắm đượm trong lòng để mỗi người chúng ta nhắc nhớ và trở về.

Tác giả Trần Minh Thương chia sẻ: “Khi viết những dòng này là tôi muốn tái hiện lại không gian ở đó có những nét văn hóa ứng xử vừa chân chất, mộc mạc, thắm đượm tình làng nghĩa xóm của người miền quê. Hơn thế, đó cũng chính là hơi thở, cuộc sống thời niên thiếu mà tôi đã từng trải qua”.

Ngày Tết đến hay khi anh em, bà con đến nhà, quý nhau người ta lại mần bánh đãi khách. Và chuyện những cái bánh ngon ngọt, đậm đà mùi vị đặc trưng lại gắn liền với những trang trong “Vấn vương hương vị bánh quê”.

Bánh bao, bánh bò với chất men nổi mang hàm ý tượng trưng cho sự nảy nở, phồn thịnh. Bánh da lợn gợi nhớ chuyện buồn về thân phận những cô gái bán bánh được học giả Vương Hồng Sển nhắc đến nay, Trần Minh Thương dẫn lại. Bánh xèo, bánh khọt với hàng chục dị bản khác nhau. Tùy người làm và tùy khẩu vị mà người ta… chế biến.

Độc đáo hơn, người miền Tây thích ngọt và khoái béo. Nên gần như loại bánh nào cũng có sự góp mặt của đường và nước cốt dừa. Bởi vậy, những cái bánh nhưn (nhân) mặn vẫn được bà con sáng chế thêm những cái bánh ngọt dù nó không phổ biến cho lắm: bánh canh ngọt, bánh tằm ngọt, bánh xèo ngọt… Thậm chí có người còn ăn bánh tét nhưn đậu mỡ chấm… đường cát, đường thốt nốt!

Những cái bánh pía, bánh in dần về sau đã trở thành thương hiệu để bà con dùng làm quà tặng, biếu cho người thân sau mỗi chuyến đi có ghé qua vùng đất này. Đi đám giỗ cũng là một tập tục đẹp ở miền quê. Những cái bánh ít, những đòn bánh tét hay bọc bánh kẹp, bánh bông lan … gợi cho người đọc vấn vương cùng vị bánh.

Tình đất, tình người trong tác phẩm của Trần Minh Thương ảnh 2

Bìa cuốn "Vấn vương hương vị bánh quê".

Qua từng trang sách “Vấn vương hương vị bánh quê”, người đọc cảm nhận được những nét văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất Chín Rồng trù phú thể hiện trong tập sách. Người đọc khi thưởng thức “bánh quê” cảm thấy gần gũi và dễ tìm gặp hơn qua lời kể, tả lại của bà con miền quê, kết hợp với những kiến thức văn hóa dân gian của tác giả Trần Minh Thương sau nhiều chuyến đi tìm hiểu.

Là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, được trải nghiệm qua nhiều chuyến đi điền dã, lượm lặt ghi chép từ vốn sống dân gian, tác giả Trần Minh Thương đã đem đến cho bạn đọc những trang viết mang đậm nét văn hóa xứ này. Lan man, tản mạn ghi theo dòng ký ức, hy vọng hai tác phẩm này sẽ đưa độc giả về lại với miền xưa nơi đó còn lắng đọng lại chút dư vị dịu mát, ngọt lịm của tình đất, tình người.