Từ năm 2012, cùng với chính sách của Trung ương, tỉnh còn hỗ trợ nguồn kinh phí 1,4 triệu đồng cho mỗi thương, bệnh binh, người có công của tỉnh đến điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Ðiều dưỡng người có công tỉnh. Trong 10 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng cho hàng nghìn lượt người có công đi điều dưỡng tập trung. Năm 2023, tỉnh thông qua Ðề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn và dành 81 tỷ đồng hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.450 nhà ở cho hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ.
Hơn 15 nghìn lao động được giải quyết việc làm mới
Năm 2024, tỉnh Hà Nam phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 25.000 lao động. Tỉnh đã triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, giải ngân vốn vay giải quyết việc làm… nhằm phát triển thị trường lao động. Theo đó, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 15 nghìn lao động tìm được việc làm mới.
Nam Định có 432 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên
Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Nam Ðịnh có 432 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 235 chủ thể là cơ sở sản xuất ở 10 huyện, thành phố thuộc tỉnh. Tỉnh Nam Ðịnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích; trong đó, giai đoạn 2019-2023, hỗ trợ kinh phí hơn 11,5 tỷ đồng cho các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên để phát triển sản phẩm toàn diện về chất lượng, mẫu mã bao bì, nguồn nguyên liệu, quảng bá, phân phối sản phẩm và hỗ trợ tạo mã QR phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bắc Ninh thêm 98 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt danh mục 98 sản phẩm của 49 chủ thể tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2024, thuộc các lĩnh vực: lương thực, thực phẩm, dược liệu, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng…, trong đó, thị xã Quế Võ được phê duyệt nhiều nhất với 28 sản phẩm của 8 chủ thể… Tỉnh cũng phê duyệt nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao đối với 3 sản phẩm (miếng rửa bát; bông tắm xơ mướp; lót giày xơ mướp) của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ánh Dương Kinh Bắc-Kim Tháp, xã Nguyệt Ðức, thị xã Thuận Thành.
Hải Phòng thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu
Thành phố Hải Phòng đã tổ chức xét, công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số địa phương đạt nông thôn mới nâng cao trên địa bàn thành phố lên 89 xã và 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố Hải Phòng đang tập trung đôn đốc các huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của 35 xã đã triển khai thực hiện từ năm 2023 và 13 xã triển khai thực hiện từ năm 2024.
Thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Hải Dương
Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương vừa thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Hải Dương. Theo nghị quyết, vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Hải Dương là 20 tỷ đồng, được bố trí từ ngân sách tỉnh. Giai đoạn 2024-2030, ngân sách tỉnh sẽ bổ sung vốn trên cơ sở cân đối nguồn vốn để phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã gồm cho vay, nhận ủy thác và ủy thác.
Gần 254.000 lượt hộ nghèo ở Vĩnh Phúc được vay vốn phát triển kinh tế
Ðến ngày 30/6, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 4.545 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cuối năm 2014; dư nợ cho vay đạt 4.533 tỷ đồng, tăng 2.718 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Mười năm qua, gần 254.000 lượt hộ nghèo ở Vĩnh Phúc được vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, với tổng số tiền hơn 9.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỉnh có 28.320 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 62.280 lao động có việc làm ổn định; 160 người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; 3.440 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường...