Tin tưởng và kỳ vọng về những quyết sách đột phá, hợp lòng dân

Ngay những ngày đầu năm mới 2024, gần 500 đại biểu có mặt tại Hội trường Diên Hồng trong khuôn viên Quảng trường Ba Đình lịch sử để dự kỳ họp bất thường lần thứ 5 của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh DUY LINH)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh DUY LINH)

Kỳ họp sẽ xem xét quyết định bốn nội dung hệ trọng, qua đó xây dựng các chính sách đủ mạnh, thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển đất nước trong nhiều năm tới.

Quốc hội xem xét để quyết định thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt của chương trình nghị sự ngắn gọn. Các đại biểu Quốc hội dồn sức thảo luận thật kỹ lưỡng, khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm rất cao.

Cần những chính sách đột phá, “mở đường”

Không chỉ Quốc hội, đại biểu Quốc hội nhiều khóa gần đây, mà đông đảo cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nhiều năm qua rất quan tâm và đó cũng là mục tiêu cao nhất khi xây dựng và hoàn thiện Luật Đất đai, đó là: Làm thế nào giải quyết triệt để các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất đai đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và tổng kết thi hành Luật.

Cần có những quyết sách đủ mạnh nào nhằm tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” cản trở quá trình phát triển? Những giải pháp căn cơ, bền vững lâu dài để tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Cử tri và nhân dân bày tỏ quan tâm những chính sách mới nào trong sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh, đủ tầm khơi thông các nguồn lực to lớn?

Các cơ chế, chính sách mới mở ra cơ hội mở đường thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; bên cạnh đó, phát huy dân chủ, tăng cường giám sát trong xã hội, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai là những vấn đề nhức nhối, bức xúc trong nhân dân.

Ngày đầu tuần, ngay trong ngày khai mạc, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều 79 về việc “Nhà nước thu hồi đất vì thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia và công cộng” trong dự thảo Luật thu hút sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) và các đại biểu cho rằng, nội dung “vì lợi ích quốc gia” và “công cộng” là những khái niệm rất lớn và rộng, vừa là mục tiêu, vừa là mục đích, có tính khái quát rất cao. Tuy nhiên, các nội dung trong điều luật lại quy định các trường hợp thu hồi đất theo tính chất liệt kê.

Theo đó, cơ quan soạn thảo liệt kê gần 30 lĩnh vực được thu hồi đất, tuy nhiên với phạm vi rộng lớn, các đại biểu cho rằng, giữa tên điều với quy định chưa thống nhất. Các đại biểu đề nghị, điều khoản này cần đổi tên điều luật thành “các trường hợp Nhà nước thu hồi đất”, hiện tại điều luật đã có 28 trường hợp Nhà nước thu hồi đất, sau này có thể bổ sung.

Chung quan điểm về quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang), cho rằng Ban soạn thảo cần xem xét, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư; và người quản lý phải đảm bảo đồng thuận việc thu hồi đất và có sự tách bạch, rõ ràng từ ban đầu mục đích sử dụng đất.

Đại biểu kiến nghị: Đối với các dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện về chủ trương hoặc tài chính cần phải thỏa thuận với người sử dụng đất, thu hồi đất theo cơ chế thị trường.

Một số đại biểu cho ý kiến về khoản 23 của Điều 79, quy định “Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp thực hiện dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung có quy mô lớn”.

Từ thực tiễn, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) và một số đại biểu khác cho rằng: cần định lượng mức độ và quy mô; nếu không, “việc quy định chung chung sẽ dẫn đến áp dụng tùy nghi, thực hiện không thống nhất, hoặc không dám thực hiện vì sợ trách nhiệm”...

Tại khoản 26 của điều luật này quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất cho dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển; và khoản 27 thu hồi đất cho dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở, đại biểu Ánh Sương đề nghị xem xét quy định cụ thể, tránh tình trạng mỗi nơi quy định khác nhau, dẫn đến người dân không đồng thuận, quá trình thực hiện thu hồi đất cho dự án gặp khó khăn...

Bảo đảm đời sống người dân bị thu hồi đất

Qua theo dõi kỳ họp lần này, cử tri Nguyễn Minh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) bày tỏ rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) và nhiều đại biểu khác thảo luận về quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư với mục tiêu phải bảo đảm cho người bị thu hồi đất có điều kiện chỗ ở và cuộc sống tốt hơn.

Cụ thể, Điều 110 quy định hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị.

Cử tri cho rằng, dự thảo Luật cần quy định tiêu chuẩn tối thiểu để khuyến khích các địa phương đầu tư hạ tầng khu tái định cư tốt hơn, nâng cao đời sống người bị thu hồi đất, vì thực tế có thể xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn mới theo tiêu chuẩn cao hơn, tiệm cận tiêu chuẩn đô thị.

Cử tri xã Tả Thanh Oai đề nghị: về điểm lựa chọn tái định cư phải theo thứ tự ưu tiên, trước hết tại địa bàn nơi có đất bị thu hồi, sau đó mới mở rộng đến các địa bàn khác có điều kiện tương đồng.

Như vậy tránh tình trạng những khu đất thuận lợi dành để đấu giá đất, còn khu tái định cư bố trí ở khu vực kém thuận lợi. Cử tri Nguyễn Minh đề nghị: Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người có đất bị thu hồi, chứ không chỉ hỗ trợ bằng tiền. Nếu thu hồi đất sản xuất, thì ưu tiên bố trí đất sản xuất, kinh doanh để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Cử tri Trịnh Hồng Thủy (phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) và nhiều người dân theo dõi kỳ họp, bày tỏ tán thành với chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ được đề cập trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện thu hồi đất, theo cử tri, cần có tiêu chí cụ thể cho loại hình dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ được thu hồi đất, tránh thu hồi đất tràn lan, xâm phạm quyền, lợi ích của người dân.

Về phương pháp định giá đất, nhiều cử tri đồng tình phương án hiện nay quy định trong luật và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với sự biến động của thực tiễn đời sống; quan trọng hơn sẽ giải quyết những bất cập, vướng mắc hiện nay, huy động nguồn lực đất đai và tạo động lực phát triển.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Y Nghiết Êban (buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) nói: Thời gian qua, nhiều “điểm nóng”, vụ việc phức tạp có liên quan đất đai xảy ra nhiều nơi, nhất là liên quan việc định giá đất, bồi thường, thu hồi đất, cấp đất tái định cư, ngay cả trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông nói thêm: Tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung, ngoài việc định giá đất, đền bù, giải tỏa để thực hiện các công trình, dự án, vấn đề tranh chấp đất đai liên quan tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và tình trạng liên kết, giao khoán giữa các công ty cà-phê quốc doanh với người dân diễn biến hết sức phức tạp, từ đó tạo thành những điểm nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh, trật tự.

“Cử tri chúng tôi mong muốn, Đảng, Nhà nước cần tiếp thu một cách đầy đủ nhất các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nhân dân trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này”.

Ông Y Nghiết Êban và bà con ở địa phương cũng bày tỏ rất tin tưởng Quốc hội khóa XV xem xét, đánh giá một cách cẩn trọng, tỉ mỉ nhất các điều, khoản của dự thảo Luật, để khi ban hành, luật sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng những yêu đặt ra từ thực tiễn, gần gũi nhu cầu, nguyện vọng đời sống người dân.

Dự án Luật đặc biệt quan trọng, tác động xã hội lớn

Về những nội dung rất quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi), phát biểu tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước.

Dự án này có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là dự án luật rất khó và phức tạp.

Về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79) được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, dự thảo Luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ khi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị”.

Đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất, Dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng ưu tiên người đang có quyền sử dụng đất.

Người đang có quyền sử dụng đất có đề xuất dự án đầu tư nếu thuộc trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 79 của Luật này nhưng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và người đang có quyền sử dụng đất đó có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được sử dụng đất để thực hiện dự án mà Nhà nước không thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật này.

Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng phương án này góp phần đẩy mạnh thực hiện định hướng thương mại hóa quyền sử dụng đất; khuyến khích người sử dụng đất đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Tuy nhiên, cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ thời gian tới cần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật hơn nữa, đặc biệt là công tác quy hoạch bảo đảm chất lượng, thực sự là công cụ định hướng của Nhà nước phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.

Mặt khác, cần khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất như yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW để điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của Nhà nước.

Những yêu cầu đặt ra thời gian tới đã được cơ quan thẩm tra đề cập rõ, đó là: Nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư; phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; phòng, tránh tình trạng tổ chức, cá nhân thu gom đất, cản trở khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư khác có cùng năng lực hoặc năng lực tốt hơn để thực hiện các dự án đầu tư do lợi thế thuộc về người đang có quyền sử dụng đất, các nhà đầu tư khác phải liên doanh, hợp tác với các tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, hoặc phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng lại đất từ các tổ chức, cá nhân này.

Việc sửa đổi như vậy trong Luật Đất đai (sửa đổi) đòi hỏi việc tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác trên nhiều lĩnh vực có liên quan, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã được lấy ý kiến nhân dân, thảo luận qua 3 kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều lần cho ý kiến, tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để lấy ý kiến về nội dung này.

Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, cơ quan hữu quan huy động cao nhất thời gian, nhân lực, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày nghỉ lễ để làm việc ngoài giờ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xin ý kiến của nhân dân, quyết tâm hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội, hoàn thành nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC HẢI

Trước khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đại biểu xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, vẫn còn nhiều vấn đề chưa tạo sự đồng thuận trong nhân dân và trên nghị trường Quốc hội.

Các vấn đề lớn đều được thiết kế hai phương án, mà không đưa ra phương án tối ưu nhất, khiến đại biểu Quốc hội khó lựa chọn.

Theo tôi, việc soạn thảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, cũng như soạn thảo các dự án luật về sau, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của nhân dân, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, để lựa chọn phương án tối ưu nhất trên nguyên tắc vì lợi ích quốc gia, công cộng, lợi ích toàn dân.

Việc sử dụng đất cho mỗi dự án phải có tính lan tỏa, tạo động lực cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, của từng địa phương.

Cử tri NGUYỄN QUỐC TUẤN

(02 Lê Bình, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)

Về vấn đề quy định bảng giá đất hằng năm, 1 năm xây dựng bảng giá đất 1 lần thì không thể làm được, quanh năm cứ làm giá đất, nên áp dụng 5 năm thông báo bảng giá đất 1 lần. Nếu giá thị trường có biến động thì chúng ta áp dụng theo hệ số k để điều chỉnh phù hợp...

Đại biểu HÀ SỸ ĐỒNG (Quảng Trị)

Theo quy định tại khoản 5 Điều 70 của Hiến pháp: Quốc hội quyết định chính sách dân tộc; do đó, đề nghị xem xét cụ thể hóa hơn chính sách bảo đảm và hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Điều 16 dự thảo Luật, thí dụ các vấn đề về hạn mức sử dụng đất, về diện tích tối thiểu được giao, về khu vực được giao đất làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu PHẠM TRỌNG NGHĨA (Lạng Sơn)