Thị trường kim loại và dầu thô bứt phá trong tuần qua

NDO -

Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, kết thúc tuần giao dịch 17-23/1, sắc xanh phủ kín toàn bộ 4 nhóm hàng háo đang được giao dịch liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giúp chỉ số MXV-Index tăng mạnh 2,2% lên mức 2.479,44 điểm, cao nhất từ trước đến nay.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Thị trường kim loại và dầu thô bứt phá trong tuần qua -0

Giá trị giao dịch toàn Sở giảm nhẹ gần 10% về mức hơn 4.000 tỷ đồng mỗi phiên, khi mà giá các mặt hàng neo ở mức cao khiến tâm lý đề phòng rủi ro của giới đầu tư gia tăng.

Thị trường kim loại và dầu thô bứt phá trong tuần qua -0

Kim loại đồng loạt thăng hoa

Nhóm kim loại có một tuần giao dịch thăng hoa khi tất cả các mặt hàng đều đóng cửa trong sắc xanh. Cả bạc và bạch kim đều có một tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2021 đến nay.

Sự suy yếu của các thị trường đầu tư rủi ro đang giúp cho vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Lực bán tháo mạnh mẽ trên cả thị trường chứng khoán lẫn thị trường tiền điện tử khiến cho dòng tiền được dịch chuyển sang thị trường kim loại quý bởi các nhà đầu tư cần đa dạng hóa danh mục đầu tư và giảm thiểu rủi ro.

Mức lạm phát cao cũng là yếu tố hỗ trợ giá kim loại quý trong ngắn hạn, tuy nhiên, giá của cả hai mặt hàng không thể tránh khỏi những sức ép đến từ động thái thắt chặt của FED. Trong tuần này, mọi sự chú ý của các nhà đầu tư sẽ đổ về nội dung cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang trong năm 2022, để nắm bắt những chính sách tiền tệ của FED.

Thị trường kim loại và dầu thô bứt phá trong tuần qua -0

Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, giá đồng có mức tăng trung bình khá 2,3% lên 4,52 USD/pound, tuy nhiên, đây là mức giá đóng cửa tuần cao nhất kể từ giữa tháng 10 đến nay. Nguồn cung ổn định cùng với nhu cầu tiêu thụ đang giảm dần bởi Trung Quốc sắp bước vào kỳ nghỉ lễ vẫn ngăn cản phe mua đưa giá vượt qua mức 4,6 USD.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng vào các chính sách tiền tệ và những biện pháp nới lỏng của các nhà chức trách Trung Quốc với thị trường bất động sản. Giá quặng sắt cũng tăng trở lại nhờ yếu tố này và đóng cửa tuần cao hơn 8,6% lên gần 140 USD/tấn.

Dư địa tăng giá của thị trường quặng sắt đang tốt hơn so với thị trường đồng, bởi giá đồng vẫn đang gần mức đỉnh cao nhất mọi thời đại, còn giá quặng sắt vẫn thấp hơn 40% so với mức đỉnh cũ. Ngoài ra, giá Nikel và thiếc cũng có một tuần tăng mạnh bởi mức tồn kho sụt giảm mạnh ở Sở Thượng Hải. Nhu cầu cho các ngành năng lượng mới đang đẩy giá các mặt hàng này tăng phi mã.

Giá dầu có tuần tăng thứ 5 liên tiếp

Giá dầu đã tăng liên tục trong 5 tuần gần đây và chạm mức đỉnh 7 năm trong tuần vừa rồi khi các căng thẳng địa chính trị lên cao. Cụ thể, giá dầu thô WTI tháng 3 tăng 2,09% lên 84,14 USD/thùng trong khi giá dầu thô Brent tháng 4 tăng 2,03% lên 87,08 USD/thùng.

Mặc dù tình hình chính trị tại Libya và Kazakhstan đã giảm bớt căng thẳng và phần nào giúp cho sản lượng khai thác dầu tại các khu vực này ổn định trở lại, tuy nhiên căng thẳng gia tăng ở phía Nga - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO do Mỹ đứng đầu đã trở thành yếu tố hỗ trợ chính cho đà tăng của giá trong tuần vừa rồi.

Bên cạnh đó, báo cáo thị trường dầu tháng 1 của các tổ chức năng lượng lớn như Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới sẽ vượt mức đỉnh 100 triệu thùng/ngày trong năm nay bất chấp tác động của biến thể Omicron cũng hỗ trợ cho tâm lý thị trường.

Thị trường kim loại và dầu thô bứt phá trong tuần qua -0

Hiện tại Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu lên 100 USD/thùng trong khi Bank of America cho biết giá có thể chạm mức 120 USD/thùng trong thời gian tới. Rủi ro các chính phủ tác động vào thị trường như việc Mỹ mở kho dự trữ chiến lược trong năm ngoái cũng không gây ra nhiều phản ứng, do thị trường đánh giá chính quyền Biden không còn nhiều công cụ để điều tiết thị trường như trước kia.

Giá dầu chỉ chịu áp lực nhẹ trong 2 phiên cuối do lực bán chốt lời kết hợp với báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ EIA cho biết tồn kho dầu thô tăng trở lại lần đầu tiên sau 7 tuần.

Khô đậu tương trái chiều với toàn bộ nhóm nông sản

Kết thúc tuần giao dịch 17-23/1, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu của Sở Chicago. Trong đó, dầu đậu tương dẫn đầu mức tăng với gần 8%, nhờ ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá dầu thô, và lo ngại về nguồn cung dầu thực vật eo hẹp trên toàn cầu khi chính phủ Indonesia có kế hoạch hạn chế xuất khẩu dầu cọ.

Căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine không chỉ hỗ trợ cho nhóm các mặt hàng năng lượng, mà còn thúc đẩy giá lúa mì leo thang, khi mà đây là 2 trong số những quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Giá lúa mì Chicago tăng hơn 5% lên mức 780 cent/giạ, còn giá lúa mì Kansas tăng 6,5% lên mức 793,25 cent/giạ.

Thị trường kim loại và dầu thô bứt phá trong tuần qua -0

Ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá lúa mì, kết hợp với số liệu bán hàng của Mỹ khá tích cực và sản lượng ethanol tăng mạnh trở lại, giá ngô cũng tăng 20 cents trong tuần vừa rồi, lên mức 616,25 cent/giạ. Đây là mức giá đóng cửa tuần cao nhất kể từ đầu tháng 6 năm ngoái đến nay.

Đối với đậu tương, với 3 trên 4 phiên đóng cửa trong sắc xanh, đậu tương đã tăng mạnh hơn 3% trong tuần trước do được hỗ trợ từ diễn biến của dầu đậu. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với đậu tương Mỹ của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 12 cũng đã hỗ trợ giá trong tuần vừa rồi. 

Ở hướng ngược lại, khô đậu tương là mặt hàng duy nhất giảm trong nhóm nông sản tuần vừa rồi, do áp lực trái chiều từ mức tăng rất mạnh của dầu đậu. Bên cạnh đó, nguồn cung DDGs gia tăng khi sản lượng ethanol phục hồi cũng góp phần gây áp lực lên giá khô đậu.

Giá các mặt hàng cà-phê tiếp tục diễn biến trái chiều

Diễn biến trái chiều tiếp tục duy trì đối với nhóm nguyên liệu công nghiệp. Giá cà-phê Arabica giảm gần 1% về 237,9 cents/pound sau hai tuần đóng cửa trong sắc xanh, trái lại, giá cà-phê Robusta giảm 0,7% về 2.213 USD/tấn và cũng là tuần giảm thứ ba liên tiếp. Các yếu tố hỗ trợ cho giá Robusta gần như không còn, bởi nguồn cung trên thế giới đã ổn định trở lại nhờ việc Việt Nam sắp hoàn thành vụ thu hoạch.

Các hoạt động hậu cần trong nước và quốc tế cũng được khôi phục trở lại để hỗ trợ cho các tháng xuất khẩu trọng điểm sắp tới. Đối với thị trường Arabica, đà tăng của giá đã yếu dần và đang có xu hướng tích lũy trong tuần vừa rồi. Trong ngắn hạn, giá Arabica vẫn được hỗ trợ bởi mức tồn kho trên Sở ICE US giảm mạnh về 1,36 triệu bao, tuy nhiên, đà tăng yếu đi khá nhiều vào cuối tuần do yếu tố chốt lời và lực bán lan tỏa giữa các thị trường tài chính.

Thị trường kim loại và dầu thô bứt phá trong tuần qua -0

Trái ngược với giá cà-phê, giá bông và đường đều có một tuần tăng rất tốt. Đáng chú ý, giá bông tăng tuần thứ 7 liên tiếp với mức giá đóng cửa cao hơn gần 1% lên 120,8 cents/pound. Trong tuần vừa qua, giá bông cũng đã vượt qua mức đỉnh 121,7 của tháng 11, tuy nhiên, sức ép bán trong các phiên cuối tuần đẩy giá giảm trở lại. Nhu cầu tiêu thụ gia tăng trở lại, cùng với doanh số bán hàng tích cực đã khiến cho các quỹ gia tăng khối lượng mua và đẩy giá bông tăng mạnh.

Trên thị trường đường, giá đường trắng tăng 0,6% lên 505,4 USD/tấn, giá đường 11 tăng mạnh 3,2% nhưng vẫn chưa lấy lại mốc 19 cents. Đà tăng của dầu thô đã hỗ trợ rất tốt cho giá đường trong thời gian vừa rồi, nhất là trong bối cảnh tiềm năng thu hoạch mía ở Thái Lan, Ấn Độ và Brazil đều đang rất tích cực. Lực mua trên thị trường đường xuất phát từ tâm lý kỳ vọng rằng nguồn cung đường sẽ giảm bởi các nhà máy ưu tiên sử dụng mía để sản xuất ethanol.

Thị trường kim loại và dầu thô bứt phá trong tuần qua -0