Bệnh phát triển theo độ tuổi
Khảo sát của Viện Răng-Hàm-Mặt cho thấy: Nếu ở độ tuổi 6-8, tỷ lệ bị sâu răng vĩnh viễn chiếm khoảng 25% thì đến độ tuổi 9-10, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 54%. Và trong tuổi 15-17, con số này đã lên đến mức báo động với hơn 68,6%. Cuối cùng, một "kết cuộc" đáng buồn (nhưng tất yếu) là những người trên 45 tuổi, tỷ lệ sâu răng là 90%. Các bệnh liên quan đến răng miệng cũng là những con số tỷ lệ thuận. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh về viêm lợi, viêm quanh răng... là 42,7%. Đến 15-17 tuổi, tỷ lệ ấy đã vọt lên 67% và trên 45 tuổi thì 93% người dân mắc bệnh này. Đây là một con số báo động vì so với những nghiên cứu, điều tra của những tổ chức sức khỏe răng miệng thế giới như Liên đoàn Nha khoa quốc tế (FDI) thì tỷ lệ này thuộc loại cao nhất trên thế giới (!).
Nguyên nhân...
Có hai nguyên nhân chính được các nhà chuyên môn xác định. Cụ thể, đó là nồng độ flour trong nước của Việt Nam hiện chỉ đạt mức 0,4ppm (chưa bằng 1/2 tiêu chuẩn quốc tế). Song, điều đáng lo ngại hơn, đó là ý thức của người dân còn quá thấp. Ước tính 50% người dân hầu như không bao giờ đi khám bệnh về răng miệng (trẻ em là 60%). Trong khi đó, miệng là cửa ngõ cho hầu hết các loại vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể. Và sâu răng không chỉ ảnh hưởng đến cụ thể một chiếc răng mà còn dẫn đến sự suy yếu của nhiều cơ quan khác như thận, gan... Ngoài ra, chữa trị bệnh răng miệng, thực hiện lấy tuỷ răng không đúng cách thì có thể dẫn đến viêm xoang, viêm gân. Một điều nữa, cũng rất nhiều người không biết, đó là bệnh răng miệng có thể ảnh hưởng tương tác, gây nên các bệnh như tiểu đường, bệnh tim...
Tổng kết của Chương trình Nha học đường năm 2005 lại cho biết, bước vào năm thứ 7 triển khai, song chương trình chỉ dừng ở một mức nhất định, vì nguồn lực cũng như vật lực còn thiếu. Tình trạng bác sĩ chuyên ngành răng hàm mặt ở tuyến huyện - xã thì gần như "trắng". Trước thực trạng này, thiết nghĩ, việc bảo đảm nguồn lực cũng như vật lực để phát triển các chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng là điều căn cơ nhất. Và từ thực tế triển khai cho thấy, chương trình bảo vệ sức khỏe răng miệng mà FDI và Viện Răng-Hàm-Mặt (Bộ Y tế) cùng Vụ Tiểu học và Mầm non phối hợp cùng Uniléver thực hiện có thể được coi là bước đi cần có trong giai đoạn hiện nay. Bởi, như thế sẽ giúp thu hút thêm nguồn lực từ xã hội, cùng các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả chương trình chăm sóc sức khỏe cũng như nâng cao ý thức cho cộng đồng về căn bệnh này.