Thái Nguyên: Cần chấn chỉnh hoạt động y tế ngoài công lập

NDO -

NDĐT- Thái Nguyên là trung tâm vùng, đồng thời là một trong những trung tâm đào tạo y, bác sĩ, khám, chữa bệnh lớn của cả nước. Hoạt động hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn cũng theo đó phát triển nhanh chóng với nhiều loại hình như: Bệnh viện đa khoa, phòng khám chữa bệnh, nhà thuốc, đại lý bán thuốc, cơ sở y học cổ truyền, xoa bóp ấn huyệt… giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế hơn trước. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì hoạt động y dược tư nhân vẫn còn nhiều bất cập.

Khám, chữa bệnh không phép

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, tính đến tháng 9-2012, thanh tra Sở đã tổ chức kiểm tra 288 cơ sở y dược tư nhân, theo đó đã nhắc nhở 34 cơ sở, xử lý 39 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề 3 cơ sở, đình chỉ 3 cơ sở hoạt động không phép... Tổng số tiền xử phạt hành chính gần 200 triệu đồng. Có thể nói Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã có rất nhiều cố gắng trong công tác quản lý nhà nước về y tế. Tích cực như vậy nhưng không hiểu sao vẫn để lọt một cơ sở khám, chữa bệnh ngang cấp huyện hoạt động không phép, đó là Bệnh viện Đa khoa tư nhân trung tâm Thái Nguyên.

Bệnh viện trên được Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận hành nghề y tế ngày 30-12-2005, có giá trị đến ngày 30-12-2010. Quá trình hoạt động bệnh viện này cũng có những đóng góp nhất định trong công tác khám chữa bệnh, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến công lập. Theo quy định của Nhà nước, bệnh viện này muốn tiếp tục cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh thì phải được Bộ Y tế tiếp tục cấp phép, nhưng từ 30-12-2010 đến nay (gần 2 năm), bệnh viện này vẫn hoạt động bình thường mà không được Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề. Điều lạ hơn là mặc dù hoạt động không phép nhưng vẫn có tới hơn 31 nghìn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện này.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, đồng chí Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên Trần Đức Long cho biết: Điều kiện để bệnh viện này hoạt động được là do cơ quan quản lý nhà nước về y tế. Còn việc bệnh viện này sở dĩ có đông người đăng ký BHYT khám chữa bệnh là vì cơ sở y tế này “có uy tín”… Đề cập vấn đề trên, đồng chí Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, tiến sĩ Bùi Văn Hoan nói: Bệnh viện Đa khoa tư nhân trung tâm- Thái Nguyên có rất đông người đăng ký BHYT khám chữa bệnh. Đây là bệnh viện ngang cấp huyện phải do Bộ Y tế cấp phép hoạt động. Với trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về công tác y tế, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, xem xét, nhắc nhở các bệnh viện tư hoạt động đúng các quy định của Nhà nước. Tuy vậy, việc để một bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP Thái Nguyên hoạt động không phép, đúng là chúng tôi đã có phần “bỏ ngỏ” khu vực khám, chữa bệnh ngoài công lập, dẫn tới tình trạngnhiều sai phạm .Xoay quanh chủ đề trên, đồng chí Chánh thanh tra Sở Y tế Thái Nguyên Dương Văn Thắng trăn trở: Hiện trên địa bàn tỉnh có 310 cơ sở có giấy phép hành nghề y dược tư nhân, cái khó trong công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh là lực lượng làm công tác thành tra, kiểm tra quá mỏng...

Về phía Bệnh viện Đa khoa tư nhân trung tâm- Thái Nguyên - Giám đốc Tô Văn Thủ thẳng thắn: Tôi chỉ là người làm thuê, tháng hưởng 9 triệu đồng tiền lương, còn mọi việc là do Chủ tịch Hội đồng quản trị- ông Hoàng Tuyên lo. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Tuyên cho hay: Tôi là một doanh nghiệp tư nhân, không có giấy phép hành nghề y, khám chữa bệnh chỉ là “làm phúc” và giao cho một thành viên Hội đồng quản trị - ông Tô Văn Thủ điều hành. Kinh doanh chính của chúng tôi là khai khoáng, xây dựng đường…. Chúng tôi có làm đơn đề nghị cấp phép hoạt động, nhưng Bộ Y tế chưa về kiểm tra xem xét cấp tiếp.

Câu hỏi đặt ra cho công tác quản lý

Theo Nghị định 87/2011/NĐ-CP, trong Điều khoản chuyển tiếp, Bệnh viện Đa khoa tư nhân trung tâm- Thái Nguyên không nằm trong khung được phép kéo dài thời hạn hoạt động cho tới khi được cấp giấy phép hoạt động theo Luật khám, chữa bệnh mới. Tiếp nữa, Nghị định 87 có hiệu lực từ ngày 15 tháng 11 năm 2011, so với thời gian hết hạn 30-12-2010, Bệnh viện Đa khoa tư nhân trung tâm- Thái Nguyên đã hoạt động không phép từ trước đó rất lâu.

Trước thực trạng trên, dư luận đặt câu hỏi: Việc để một bệnh viện tương đương cấp huyên hoạt động không phép gần 2 năm, trách nhiệm thuộc về ai? Tại sao một Bệnh viện tư nhân với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị y tế, con người khiêm tốn hơn các bệnh viện khác cùng hạng mà có tới hơn 31 nghìn thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh tại đây, thậm trí những năm trước còn lên tới hơn 70 nghìn thẻ (theo Sở Y tế). Vậy “uy tín” bệnh viện này có lớn tới mức hút nhiều thẻ BHYT như thế không? Khi ký hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa tư nhân trung tâm- Thái Nguyên, BHYT Thái Nguyên có biết bệnh viện này không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y không?

Điều đáng nói nữa là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tư nhân trung tâm- Thái Nguyên đã làm đơn đề nghị cấp phép hoạt động tiếp, nhưng tại sao Bộ Y tế không có hướng dẫn hay phản hồi gì chính thức bằng văn bản? Hiện tại UBND tỉnh Thái Nguyên đã biết rất rõ đơn vị này hoạt động trái quy định của Nhà nước mà sao không có những biện pháp tích cực nhằm khắc phục tình trạng coi thường kỷ cương phép nước, bảo vệ quyền lợi người khám, chữa bệnh?

Theo Nghị định 96/2011/NĐ-CP, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên sẽ xử lý như thế nào trước thực trạng trên?