Góp phần tạo động lực phát triển nhanh, toàn diện

Quán triệt, triển khai các chủ trương, chỉ thị của Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng (TÐKT), tỉnh Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều giải pháp thúc đẩy phong trào, công tác TÐKT trên địa bàn nhằm góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh, truyền thống quê hương cách mạng, tạo động lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và cải thiện đời sống nhân dân.

Một ca ghép thận tại Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên.
Một ca ghép thận tại Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong tổ chức các phong trào thi đua (PTTÐ) coi đó là động lực phát triển, hằng năm, tỉnh phát động và tổ chức thực hiện PTTÐ yêu nước, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

Từ các PTTÐ do Trung ương phát động, như "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", tỉnh Thái Nguyên thực hiện phương châm "Ðịa phương nào có điều kiện thuận lợi sẽ tập trung chỉ đạo để về đích sớm, không chờ đợi; tiêu chí dễ, cần ít tiền làm trước, khó làm sau; làm từ nhà ra ngõ, từ đồng về làng", tạo động lực triển khai đồng bộ, phát huy nhiều cách làm sáng tạo. Nếu như năm 2016 tỉnh mới có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) thì đến năm 2019 với sự nỗ lực phấn đấu, sự điều hành quyết liệt và năng động của Ðảng bộ, chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên đã đạt và hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đề ra. Tại hội nghị Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với những thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

Từ phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đồng loạt tổ chức các hoạt động cụ thể nhằm chung tay giảm nghèo, chia sẻ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương... Từ đó, công tác giảm nghèo bền vững có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, ước bình quân 5 năm (2016 - 2020) giảm 2,05%, nhanh hơn tốc độ bình quân chung của cả nước.

Với PTTÐ "Doanh nghiệp Thái Nguyên hội nhập và phát triển" có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp; thực hiện "3 đồng hành, 5 hỗ trợ" cho doanh nghiệp, tỉnh tổ chức thành công cuộc gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp năm 2019 với hơn 50 doanh nghiệp tham gia nhằm thống nhất các vấn đề liên quan đến các cơ chế, chính sách, những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ðầu năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 40,4 nghìn tỷ đồng, bằng hơn 88% so với cùng kỳ. Lũy kế bốn năm (từ năm 2016 đến hết năm 2019) tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt gần 200 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020 là 128 nghìn tỷ đồng.

Với phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở", tỉnh Thái Nguyên đã triển khai tới tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị, được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tích cực hưởng ứng. Theo đó, các tập thể đã đi vào đổi mới, sáng tạo trong tổ chức PTTÐ, gắn phong trào với thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Ðảng. 5 năm qua tỉnh cũng luôn quan tâm chỉ đạo tổ chức các PTTÐ do các bộ, ngành phát động. Trong khối đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội PTTÐ cũng được phát động thường xuyên, liên tục, tạo không khí thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm, xây dựng đảng, chính quyền và đoàn thể trong sạch, vững mạnh.

Công tác khen thưởng của tỉnh 5 năm qua cơ bản được thực hiện tốt, đúng quy định, nguyên tắc, cơ cấu, số lượng, kịp thời động viên tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tiến hành khen thưởng và tổ chức tôn vinh 61 doanh nghiệp đạt danh hiệu "Doanh nghiệp xuất sắc", 32 doanh nhân đạt danh hiệu "Doanh nhân tiêu biểu". Về khen thưởng cấp nhà nước, (tính từ ngày 1-1-2016 đến 30-6-2020) có 144 tập thể và 306 cá nhân được khen thưởng. Trong đó, tổng số cá nhân không làm công tác lãnh đạo, quản lý là 125, chiếm tỷ lệ gần 41%. Về khen thưởng cấp tỉnh, có hơn 5.361 tập thể và 7.125 cá nhân được khen thưởng, trong đó, cá nhân không làm công tác lãnh đạo, quản lý là 4.377 người.

Quá trình này, tỉnh đã coi trọng sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai thực hiện các chỉ thị của Trung ương và tỉnh về công tác TÐKT gắn liền việc tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong PTTÐ yêu nước. Thực tiễn khẳng định, PTTÐ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang được đổi mới, đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong và ngoài tỉnh, tăng cường sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân. Hiệu quả PTTÐ đã tạo động lực cho sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, nhiều lĩnh vực mang tính bứt phá.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực công tác này trên địa bàn cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập. Ðó là một số cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan và một bộ phận cán bộ, công chức, nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng về công tác TÐKT. Việc quán triệt, thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Việc kiện toàn, tổ chức bộ máy làm công tác TÐKT ở một số cơ sở còn chậm. Năng lực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phát động PTTÐ của một bộ phận cán bộ hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức PTTÐ ở địa phương, đơn vị.

Từ thực tiễn PTTÐ và công tác khen thưởng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Ðức Lực nêu một số bài học kinh nghiệm. Theo đó, hiệu quả trước hết từ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, quản lý điều hành trực tiếp của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo; sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là nhân tố quan trọng; nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác TÐKT là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức PTTÐ cần bám sát nhiệm vụ chính trị, phù hợp với thực tiễn. Quá trình thẩm định và bình xét khen thưởng phải bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn, công khai, minh bạch, công bằng, tránh tình trạng cào bằng, nể nang. Thực tiễn cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm, có sự phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể, coi TÐKT là một biện pháp quản lý quan trọng và thực hiện một cách linh hoạt, thành thạo thì PTTÐ nơi đó đạt kết quả cao.

Bài và ảnh: Quốc Tuấn, Thu Hồng