Giải bài toán năng lực sản xuất, cung ứng oxy y tế

Về tổng thể quy mô cả nước thì hiện nay năng lực cung cấp oxy y tế đáp ứng đủ nhu cầu để điều trị cho người mắc Covid-19. Tuy nhiên, ngành y tế và các địa phương cần tính toán, có phương án tăng cường năng lực khi nhu cầu tăng cao (tăng số người mắc Covid-19) và tình trạng thiếu cục bộ tại một số địa bàn khó khăn, chưa có đơn vị chuyên cung cấp oxy trên địa bàn.

Ðoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra hệ thống oxy khí nén được thiết lập để phục vụ hoạt động của Bệnh viện dã chiến Ðiện Biên Phủ. Ảnh: LÊ LAN
Ðoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra hệ thống oxy khí nén được thiết lập để phục vụ hoạt động của Bệnh viện dã chiến Ðiện Biên Phủ. Ảnh: LÊ LAN

Nhiều ngày qua, tỉnh Ðiện Biên phải gồng mình” ứng phó dịch Covid-19 khi trên địa bàn có 373 ca bệnh đang được điều trị tại các cơ sở. Một trong những lo lắng mà ngành y tế địa phương gặp phải là thiếu kinh phí mua hệ thống oxy trong khi nguồn oxy dự trữ không nhiều; nhà cung cấp oxy trên địa bàn lại không có.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ðiện Biên Phạm Giang Nam cho biết: Trên địa bàn tỉnh chỉ có hai đơn vị đang sử dụng hệ thống oxy lỏng, là Trung tâm Y tế TP Ðiện Biên Phủ (nơi đặt Bệnh viện dã chiến Ðiện Biên Phủ) và Bệnh viện đa khoa tỉnh Ðiện Biên. Ðể đáp ứng nhu cầu điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Ðiện Biên Phủ, Trung tâm Y tế TP Ðiện Biên Phủ đã phải hợp đồng thuê một hệ thống oxy lỏng. Hiện hệ thống oxy hóa lỏng chỉ hoạt động đủ cung cấp oxy phục vụ cứu chữa cho bệnh nhân tại viện còn, máy tạo oxy là để dự phòng trong trường hợp oxy hóa lỏng của bệnh viện không cung ứng kịp thời.

Trước tình trạng số bệnh nhân Covid-19 tiếp tục tăng, ngành y tế Ðiện Biên đang rất lo lắng bởi nếu số ca bệnh tiếp tục tăng thì lượng oxy hóa lỏng hiện có khó đáp ứng nhu cầu điều trị. Mới đây, Trung tâm Y tế TP Ðiện Biên Phủ đề nghị tỉnh trang bị thêm hệ thống oxy gồm: một bồn dung tích 10 m3; 200 bình oxy loại 40 lít và 100 bình oxy loại 10 lít. Ngoài ra, để bảo đảm oxy y tế phục vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 theo phương châm “Bốn tại chỗ”, Sở Y tế Ðiện Biên đã đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí (khoảng 33 tỷ đồng) bổ sung hệ thống oxy hoá lỏng cho 13 cơ sở… Tuy nhiên, khả năng sẽ khó đáp ứng như đề xuất.

Tương tự, hệ thống cung ứng oxy y tế tại tỉnh Bắc Kạn được đánh giá chưa đáp ứng được tình huống có nhiều ca bệnh Covid-19. Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn là cơ sở y tế khám, chữa bệnh lớn nhất tỉnh hiện mới có một hệ thống oxy y tế trung tâm, sử dụng bồn chứa oxy lỏng dung tích 5.600 m3, đây cũng là hệ thống oxy trung tâm duy nhất của cả tỉnh. Hệ thống cung ứng oxy y tế này có thể đáp ứng cho điều trị cao nhất 100 bệnh nhân nặng. Nếu số bệnh nhân nặng, phải thở máy vượt hơn 100 người thì hệ thống cung ứng oxy sẽ không đáp ứng được trong một ngày. Chưa kể, có những bệnh nhân khác (không phải người mắc Covid-19) cũng cần sử dụng oxy y tế trong điều trị. Giám đốc bệnh viện Trần Văn Tuyến chia sẻ: Chúng tôi rất lo lắng, do vậy kiến nghị tỉnh nghiên cứu, tính toán trên tình hình thực tiễn diễn biến dịch để có giải pháp đầu tư, khắc phục sớm tình trạng này.

Theo thống kê của Sở Y tế Bắc Kạn, ngoài hệ thống oxy y tế trung tâm đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn thì toàn bộ tám trung tâm y tế huyện, thành phố chưa có hệ thống oxy y tế trung tâm. Cả tỉnh chỉ có 340 bình khí loại 40 đến 50 lít, trong đó, 17 chiếc là mượn của nhà cung ứng. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy sản xuất oxy, chưa có cơ sở chiết nạp oxy y tế. Khi chưa có dịch Covid-19, hệ thống này tạm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng oxy y tế trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, nếu có nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 thì hệ thống này sẽ quá tải. Theo tính toán của ngành y tế Bắc Kạn, nếu số ca mắc từ 100 đến dưới 1.000 người (cấp độ 2) thì hệ thống có thể đáp ứng đủ trong một ngày, trừ Trung tâm Y tế các huyện Na Rì, Chợ Mới và TP Bắc Kạn. Nếu vượt trên con số 1.000 người mắc (cấp độ 3) thì Bắc Kạn sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu... Ðáng chú ý, việc cung ứng oxy y tế, thiết bị y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn chủ yếu do các doanh nghiệp tại Thái Nguyên, Hà Nội vận chuyển, cung ứng. Nếu xảy ra ách tắc giao thông sẽ có thể làm “đứt” nguồn cung cấp oxy y tế lên địa bàn, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa.

Dịch Covid-19 cũng đang diễn biến phức tạp trở lại tại tỉnh Trà Vinh với số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng tăng cao. Mặc dù chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt oxy y tế phục vụ công tác điều trị, nhưng theo Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh Kiên Sóc Kha, hiện trong tỉnh không có cơ sở sản xuất oxy y tế, mà phải phụ thuộc vào nguồn từ một đơn vị sản xuất, cung ứng ở TP Cần Thơ. Tuy nhiên, với bảy bệnh viện dã chiến và ba cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 đang hoạt động và chuẩn bị thành lập tám cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không có triệu chứng nữa thì nhu cầu oxy y tế sẽ tiếp tục tăng cao.

Tới đây, Bệnh viện đa khoa khu vực huyện Tiểu Cần, Bệnh viện đa khoa huyện Trà Cú có hệ thống cung cấp oxy hóa lỏng và 106/106 trạm y tế lưu động xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp 5 đến 10 m3 oxy hóa lỏng điều trị kịp thời bệnh nhân mắc Covid-19.

Từ kinh nghiệm “xương máu” trong chống dịch vừa qua, Chánh Văn phòng Quận ủy quận 3 (TP Hồ Chí Minh) Lê Minh Tuấn Anh cho biết, trong lúc cao điểm của dịch Covid-19, việc thiếu oxy thường xảy ra khi số ca bệnh nhân chuyển nặng rất nhiều. Tuy nhiên, khi thành phố lập trạm y tế lưu động, lực lượng bác sĩ tại trạm đã chủ động trong việc cấp thuốc, cấp bình oxy cho người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng, nên việc F0 không tiếp cận được oxy y tế đã được khắc phục. Hiện, trên địa bàn quận 3 có hẳn trạm cung cấp oxy y tế cho 12 phường của quận nên việc thiếu hụt bình oxy đã được giải quyết. Mới đây Sở Y tế kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ sở sản xuất và kinh doanh khí oxy phải cung cấp kết quả kiểm nghiệm khí oxy y tế cho các cơ sở sử dụng khí y tế.

Giải bài toán năng lực sản xuất, cung ứng oxy y tế -0
Các tình nguyện viên giao bình oxy cho F0 tại quận 7, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: MẠNH LINH 

Theo thống kê của Bộ Y tế cho thấy có sự phân bố không đều giữa các tỉnh, các vùng, miền về sản xuất, cung ứng oxy y tế, thiếu ở các tỉnh, khu vực Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, trong khi tập trung nhiều ở các tỉnh thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Ðồng Nai… Do vậy, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh cần hoàn thiện ngay tổ công tác, rà soát hệ thống sản xuất cung ứng oxy trên địa bàn, lên kịch bản ứng phó phù hợp.

Với nhu cầu sử dụng oxy y tế tăng cao trong một số thời điểm, các doanh nghiệp cũng đã tăng công suất sản xuất, cung ứng và bổ sung thêm một số doanh nghiệp tham gia cung ứng. Tổng công suất sản xuất, cung ứng trên cả nước trung bình hiện tại đạt khoảng 1.185 tấn oxy lỏng/ngày, tương đương khoảng 920.745 m3 khí/ngày. Lượng oxy này đáp ứng tình huống điều trị cho khoảng 300 nghìn bệnh nhân Covid-19 trong một thời điểm. Ngoài ra, các đơn vị cam kết sẽ nâng thêm 50% đến 100% công suất khi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 phát lệnh trong tình trạng khẩn cấp.

Thực tế chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, nhu cầu về oxy y tế chỉ chiếm một phần không lớn so với lượng oxy cung cấp cho các lĩnh vực ngành nghề khác.  Năng lực sản xuất oxy y tế tại Việt Nam đủ đáp ứng trong tình huống dịch bệnh tăng cao. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng và lưu thông, vận chuyển cung ứng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm oxy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, đợt dịch lần thứ tư vừa qua, trong một vài tình huống cụ thể vẫn xảy ra tình huống thiếu oxy y tế cục bộ.

Bộ Y tế đã ban hành đề án tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy y tế cho các cơ sở điều trị Covid-19 để các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng và làm việc với các nhà sản xuất, cung cấp có phương án chuẩn bị sẵn sàng cho từng kịch bản số ca bệnh mắc Covid-19 tăng cao, dự phòng bảo đảm oxy y tế tại các cơ sở y tế. Bộ Y tế đã làm việc với Hiệp hội khí công nghiệp châu Á tại Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Bộ Quốc phòng và các nhà sản xuất, cung ứng chuẩn bị sẵn sàng phương án chuyển đổi oxy sử dụng trong các ngành công nghiệp khác sang oxy y tế. Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyển đổi các chai chứa khí nito, argon, oxy công nghiệp, khí nén sang chai chứa khí oxy y tế để dự phòng biện pháp chuẩn bị tăng cường số lượng chai chứa khí oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch. 

Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác điều phối oxy y tế và Tổ công tác điều phối máy thở điều trị người bệnh Covid-19 để điều phối máy thở, máy thở oxy dòng cao và cung ứng oxy y tế phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, các đơn vị và địa phương cần nắm bắt và triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Tổ điều phối oxy y tế toàn quốc. Ðó là Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ Ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4308/QÐ-BYT ngày 07/9/2021 của Bộ Y tế về việc Phê duyệt đề án Tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ðáng chú ý, các đơn vị, địa phương cần lưu ý ba nội dung, giải pháp chính. Thứ nhất, lập kế hoạch đáp ứng nhu cầu oxy trong kịch bản số ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Các địa phương cần thành lập ban chỉ đạo điều phối, cung ứng oxy y tế tại địa phương do một Phó chủ tịch UBND làm trưởng ban chỉ đạo; khảo sát hiện trạng hạ tầng oxy y tế tại tất cả các cơ sở y tế, xây dựng các kịch bản, tình huống ca mắc theo từng cấp độ dịch; tính toán, dự báo nhu cầu  oxy của từng cơ sở theo khả năng thu dung điều trị, tổng hợp nhu cầu oxy tổng thể của địa phương theo từng kịch bản số ca mắc.

Thứ hai, tăng cường khả năng lưu trữ và tiếp cận oxy tại các cơ sở thu dung điều trị. Từ kế hoạch, kịch bản số ca mắc trên địa bàn, xây dựng kế hoạch nâng cấp, bổ sung hệ thống oxy cho từng cơ sở theo các diễn biến kịch bản; tập trung kinh phí của địa phương, tận dụng cơ hội tài trợ của các nhà tài trợ để xây dựng hệ thống oxy lỏng cho các cơ sở thu dung điều trị có thể tiếp cận nguồn oxy lỏng; trang bị máy tạo oxy, bình dự phòng cho những bệnh viện nằm xa các trạm nạp.

Thứ ba, tăng cường khả năng lưu trữ, sử dụng oxy tại các bệnh viện. Chuẩn bị phương án cung cấp, lưu chuyển oxy cho các cơ sở thu dung điều trị, nhất là xây dựng phương án cung cấp với kịch bản xấu nhất cấp 4 (nguy cơ rất cao).