Bệnh tay chân miệng gia tăng mạnh ở Đác Lắc

NDO -

NDĐT - Thời gian gần đây, do thời tiết diễn biến thất thường nên bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng mạnh tại tỉnh Đác Lắc. Đến nay, bệnh đã lan rộng trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, mỗi ngày ghi nhận được từ 50 đến 60 trường hợp mắc bệnh.

Các bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Đác Lắc.
Các bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Đác Lắc.

Trước sự diễn biến phức tạp và bất thường của bệnh tay chân miệng, ngành Y tế Đác Lắc đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, khống chế không để bệnh gia tăng và bùng phát thành dịch trên diện rộng.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Lắc, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận được 512 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh có chiều hướng gia tăng mạnh, trung bình một ngày ghi nhận được từ 50 đến 60 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Điều đáng lo ngại là bệnh tay chân miệng đã lan rộng ra tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh với 14 ổ dịch, trong đó có hơn 50% trường hợp mắc bệnh tại tỉnh là do nhiễm chủng virus EV71. Đây là chủng virus lây lan nhanh, gây sốt cao và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Lắc, bệnh tay chân miệng đang gia tăng mạnh trên địa bàn là do thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt hiện nay, thời tiết ở Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn giao mùa, thời điểm các cháu nhỏ trở lại trường và các biện pháp phòng, chống lây lan mầm bệnh tại các địa phương chưa thực sự hiệu quả.

Sáng 4-10, chúng tôi có mặt tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc, theo quan sát, có rất đông bệnh nhi đang nằm điều trị bệnh tay chân miệng tại đây.

Chị Nguyễn Thị Mỹ, ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột có con nhỏ (hai tuổi) mắc bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc cho biết: Cách đây ba ngày, tôi thấy cháu có biểu hiện mệt mỏi, ngủ li bì, nổi mụn nhỏ li ti, bọng nước vùng miệng, kèm theo sốt cao... Sau đó, trong lòng bàn tay và bàn chân cháu nổi nhiều mụn đỏ khiến tôi lo lắng, đã đưa cháu đến bệnh viện để được theo dõi điều trị. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết, cháu bị bệnh tay chân miệng nên nhập viện điều trị đã bốn ngày nay. Hiện nay, bệnh đã đỡ, không còn nổi thêm các mụn đỏ nữa, cháu cũng đỡ quấy hơn những ngày đầu mắc bệnh.

Cũng chăm con đang điều trị bệnh tay chân miệng tại Khoa Nhi tổng hợp, chị Tôn Nữ Khả Uyên, ở phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột chia sẻ: Con tôi lâu nay vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng những ngày gần đây đi gửi trẻ ở trường mầm non về, tôi thấy cháu ngủ li bì, mệt mỏi và trên tay, chân nổi đầy mụn đỏ. Tôi liền đưa cháu đến bệnh viện thăm khám, các bác sĩ nói cháu bị bệnh tay chân miệng nên nhập viện để điều trị cho cháu ba ngày nay. Tôi liên hệ với nhiều phụ huynh khác thì được biết, không chỉ con tôi mà nhiều cháu khác cũng mắc bệnh tay chân miệng phải nghỉ học để điều trị bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ, Phó trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc cho biết: Từ đầu năm đến nay, Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 400 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Những ngày gần đây, bệnh nhân nhập viện đông hơn và hiện tại khoa đang điều trị cho 44 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng do virus gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, để ngăn chặn bệnh lây lan trong cộng đồng, các bậc phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ cho con em mình và vệ sinh nhà cửa, các vật dụng hằng ngày các cháu sử dụng. Đối với các trường học, cần vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ, đồ chơi của các cháu và trường lớp, không để bệnh bùng phát thành các ổ dịch. Khi các cháu có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng như: sốt cao, ngủ li bì, tay, chân, miệng nổi các mụn đỏ thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị kịp thời...

Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Lắc cho biết: Để ngăn chặn gia tăng bệnh tay chân miệng, Sở Y tế tỉnh Đác Lắc đã chỉ đạo trung tâm và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chuẩn bị đầy đủ thuốc men, trang thiết bị phục vụ phòng, chữa trị bệnh tay chân miệng, tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh đến người dân; phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để từng ca bệnh, ổ dịch. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, vệ sinh môi trường, sát khuẩn đồ chơi của trẻ em tại trường học, nhà trẻ, xã, phường, thôn, buôn và hộ gia đình, cách ly điều trị kịp thời cho trẻ mắc bệnh, không để bệnh dịch bùng phát trên diện rộng.

* Bệnh tay chân miệng ở phía bắc chưa đáng lo ngại

* Gia tăng nhanh số ca mắc tay chân miệng trên toàn quốc