Theo chuyên gia Nga, Covid-19 gây các tổn thương trong cơ thể và chúng có thể tồn tại ngay cả sau khi bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục. Cùng với thời gian, những tổn thương này có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm. Trước hết, những tổn thương sau Covid-19 liên quan hệ thống mạch máu. Những người từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt là bệnh nhân thể nặng, có nguy cơ cao bị đột quỵ và các rối loạn chuyển hóa khác.
Nhà virus học Skulachev khẳng định: “Các tổn thương trong hệ thống mạch máu nhiều khi diễn biến rất âm thầm. Không phải lúc nào chúng cũng xuất hiện ngay lập tức và không dễ để chẩn đoán”.
Tuy nhiên, chuyên gia Skulachev cho biết thêm, không phải bệnh nhân Covid-19 nào cũng sẽ phải đối mặt những tổn thương trong hệ thống mạch máu. Ông nêu rõ, bệnh nhân đã hồi phục sau Covid-19 cần lưu ý thông tin trên, song không nên quá lo lắng.
Trong khi đó, nhà huyết học người Nga Svetlana Bychkova cũng từng cảnh báo rằng, virus SARS-CoV-2 có thể thay đổi thành phần của máu. Trong đó, bệnh nhân có thể phải đối mặt các tình trạng bệnh lý như tăng lympho bào, tăng bạch cầu đơn nhân, cũng như tăng hoặc giảm số lượng bạch cầu. Ngoài ra, bệnh nhân sau Covid-19 cũng có thể phải đối mặt tình trạng tăng đông máu, kèm theo hình thành huyết khối.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 4/2, truyền thông Nga đã đăng tải thông tin cho biết, vaccine Sputnik V cuối cùng đã chính thức được đăng ký tại Nga. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cùng ngày đã xác nhận thông tin này. Trước đây, cũng như các loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 khác, Sputnik V được đăng ký trong các điều kiện chưa chính thức, chỉ dựa trên giai đoạn thứ nhất và thứ hai của quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Hãng tin TASS ngày 4/2 dẫn lời ông Murashko cho biết: “Vaccine Sputnik V đã chính thức được đăng ký, sau khi đã vượt qua tất cả các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng”.
Trước đó, vào ngày 20/1, tất cả các dữ liệu cần thiết về vaccine Sputnik V đã được chuyển giao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đại diện của WHO tại Nga, bà Melita Vujnovic, tỏ ra lạc quan về triển vọng đăng ký vaccine Sputnik V. Bà Vujnovic cho rằng, việc WHO công nhận vaccine Sputnik V sẽ khiến nhiều quốc gia phải xem xét lại quyết định, cho phép nhập khẩu vaccine Nga.
Bà Vujnovic cho biết thêm, vaccine Sputnik V của Nga có thể được công nhận trong năm nay, với điều kiện Nga phải đệ trình một gói tài liệu đầy đủ, bao gồm các phản hồi về hiệu quả của vaccine cũng như các bài viết trên chuyên trang tạp chí y khoa uy tín quốc tế The Lancet.