10 điều cần nhớ khi dùng thuốc bắc

1. Thuốc giải cảm tiêu hóa:

Không nên sắc lâu (chỉ cần sôi 15 - 20 phút là được), nên uống nóng, nước thuốc không lấy ít quá. Sau khi uống kiêng gió, kiêng ăn những thứ sống, lạnh.

2. Thuốc thanh nhiệt, giải độc, cầm máu: Sau khi thuốc sôi 30 phút là dùng được. Uống khi thuốc còn nóng, kiêng ăn các thực phẩm cay đắng và tanh. Với những bệnh nhân bị xuất huyết như thổ huyết, chảy máu cam, nước thuốc cần lấy đặc, uống ấm, vì uống nóng không có lợi cho cầm máu; sau khi uống thuốc, không được dùng rượu, thuốc lá và chất kích thích khác.

3. Thuốc chống nôn: Nên uống nguội, nhưng không lạnh quá. Nếu uống xong vẫn nôn, thì lấy gừng sống rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cho vào đun sôi, uống ấm. Kiêng ăn những thứ sống, lạnh, tanh.

4. Thuốc điều khí: Khi sắc đậy kín vung. Sau khi sôi, đun nhỏ lửa để tránh bay khí vị, nếu không sẽ giảm tác dụng. Uống khi thuốc còn ấm. Kiêng ăn những thực phẩm sống, lạnh và gây đầy hơi.

5. Thuốc bổ: Phải đun từ từ, lửa nhỏ, thời gian sắc phải lâu một chút (khoảng 40 - 60 phút), nước thuốc sắc xong phải đặc (nếu nước thuốc nhiều quá uống vào đi giải nhiều, các thành phần hữu ích trong thuốc sẽ theo nước tiểu ra ngoài, sẽ kém hiệu quả). Nên uống thuốc trước khi đi ngủ, không dậy đêm là tốt nhất.

6. Thuốc bổ máu: Cách sắc cũng như thuốc bổ, nên uống ấm.

7. Thuốc phong thấp: Nước thuốc nên lấy nhiều một chút để tăng lượng đi tiểu, làm cho thấp tà theo nước tiểu thải ra. Kiêng những thứ chua chát.

8. Thuốc hãm mồ hôi: Uống khi thuốc còn ấm để cho tâm thần được ổn thỏa. Tránh suy nghĩ nhiều, kiêng ăn những thứ gây hao khí, động huyết.

9. Thuốc chữa ghẻ lở, mụn nhọt: Kiêng thực phẩm cay, đắng, tanh.

10. Dụng cụ sắc thuốc: Dùng nồi đất, ấm đất là tốt nhất. Tránh dùng nồi, ấm bằng kim loại. Nếu sắc bằng nước máy, nên để lắng một giờ rồi gạn lấy nước trong để dùng. Chỉ được sắc thuốc bằng nước lạnh, tuyệt đối không dùng nước nóng hoặc nước sôi để sắc, vì dù có đun lâu, các thành phần hữu ích trong thuốc cũng không ra hết, hiệu lực của thuốc bị giảm.