Trao 2 giải Nhất cuộc thi “Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em”

NDO -

Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em” đã nhận được 88 bài dự thi của 68 nhạc sĩ từ khắp mọi miền đất nước.

Các nhạc sĩ tại Lễ trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em”.
Các nhạc sĩ tại Lễ trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em”.

Lễ trao giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em” được tổ chức vào ngày 2/12, tại Hà Nội. Đây là sáng kiến được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Save the Children và Tổ chức Good Neighbors phát động vào ngày 27/4/2021.

Cuộc thi Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em của Việt Nam đã tìm ra hai tác phẩm chiến thắng trong số 88 bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước.

Hai giải Nhất thuộc về ca khúc Trẻ em như búp trên cành  của nhạc sĩ Khánh Vinh và Em ước mong sao của nhạc sĩ Trần Văn Hùng.

Bên cạnh đó, 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 4 giải Khuyến khích cũng được trao cho các nghệ sĩ xuất sắc tại Lễ trao giải.

Hưởng ứng Năm quốc tế của Liên hợp quốc về xóa bỏ lao động trẻ em, cuộc thi được phát động với mục đích sử dụng sức mạnh của âm nhạc để nâng cao nhận thức cộng đồng và truyền cảm hứng cho các hành động phòng chống lao động trẻ em.

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ban tổ chức cuộc thi cho biết, có tới 68 nhạc sĩ trên khắp Việt Nam tham gia Cuộc thi Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em với những bản nhạc chất lượng. Chúng tôi vui mừng vì cộng đồng nhạc sĩ Việt Nam hết lòng tham gia cuộc đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn bằng cách cống hiến các bài hát và buổi hòa nhạc của mình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lao động trẻ em.

Phát biểu ý kiến tại lễ trao giải, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, đại dịch đã khiến hơn 2.700 trẻ em rơi vào cảnh mồ côi và hàng trăm em đứng trước nguy cơ tham gia lao động do mất cha, mẹ hoặc cha mẹ giảm, mất nguồn thu nhập để bảo đảm cuộc sống.

"Cùng với các chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân, và các tổ chức hoạt động vì trẻ em, những ca khúc về phòng chống lao động trẻ em của cuộc thi này sẽ góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của mỗi người và toàn xã hội về vấn đề lao động trẻ em và có các hành động thiết thực tham gia vào chương trình Phòng chống lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng chính phú ban hành." - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.

Đại diện lâm thời của ILO Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Hà cũng cho rằng, lúc này chính là "thời điểm then chốt" do tương lai phụ thuộc rất nhiều vào cách đất nước phản ứng lại với tác động của đại dịch. Chúng ta cần kêu gọi tất cả cùng chung tay cam kết hành động chấm dứt lao động trẻ em.

“Bằng cách đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn lao động trẻ em bằng cách đầu tư vào các chương trình an sinh xã hội để giúp các gia đình không phải đưa ra quyết định để con em mình đi lao động kiếm sống. Chúng ta nên làm tất cả những gì có thể để đưa các em ra khỏi tình trạng lao động trẻ em và quay trở lại trường học", bà Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.

Các nghệ sĩ đoạt giải của cuộc thi Sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em của Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi này.

Bài hát Em ước mong sao của họa sĩ Trần Văn Hùng đến từ Hà Nội nói về ước mơ của các em nhỏ về một thế giới hòa bình, nơi không có lao động trẻ em, không có bệnh tật hay chiến tranh.

Bên cạnh đó, ca khúc đạt giải Nhất Trẻ em như búp trên cành của nhạc sĩ Khánh Vĩnh từ thành phố Hồ Chí Minh, nhắc nhở tất cả chúng ta rằng trẻ em - tương lai của đất nước - cần được đến trường, các em xứng đáng được yêu thương và chăm sóc.

Một báo cáo do Tổ chức Lao động quốc tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc công bố vào tháng 6 năm nay cho thấy, số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu và hàng triệu trẻ em khác có nguy cơ trở thành lao động trẻ em dưới tác động của đại dịch Covid-19. Đại dịch đã đảo ngược xu hướng giảm trước đó của tình trạng lao động trẻ em trong hai thập kỷ qua.

Tại Việt Nam, thống kê trước khi Covid-19 xuất hiện cho thấy, 5,3% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ  5-17, tương đương hơn một triệu trẻ em trong nước, là lao động trẻ em.

Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19