TP Hồ Chí Minh sẽ quy định thời gian người dân ra đường

NDO -

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, số lượng ca bệnh vẫn diễn biến rất cao. Với tính chất của biến chủng Delta, TP Hồ Chí Minh phải làm nhiều hơn, nghiêm hơn nữa để có thể ổn định tình hình, đưa thành phố dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Toàn cảnh cuộc họp báo.
Toàn cảnh cuộc họp báo.

Đó là nhận xét của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tình hình phòng, chống Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sáng 25/7.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm thông tin, thực hiện theo Công văn số 2468 của UBND Thành phố, Sở chỉ tổ chức cho xe tải lưu thông vào thành phố và cấp mã nhận diện (QR Code) để kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng thiết yếu (theo Chỉ thị 12 của Thành ủy). Từ 9/7 đến nay, Sở đã cấp cho gần 43 nghìn phương tiện và giải quyết cơ bản cho các xe được phép ra, vào thành phố.

Ông Trần Quang Lâm cho biết thêm, người giao hàng (shipper) trên địa bàn thành phố chỉ được vận chuyển các mặt hàng thiết yếu. Lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt nếu người giao hàng không thuộc các hãng vận chuyển, không xuất trình giấy tờ tùy thân và đang vận chuyển hàng không thiết yếu.

Về nguồn lực của ngành y tế hiện nay, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức, toàn bộ lực lượng y tế công lập và tư nhân trên địa bàn đều được huy động tham gia tất cả các hoạt động phòng, chống dịch. Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch đề nghị các bác sĩ về hưu, lực lượng y tế tư nhân để hỗ trợ điều trị, tư vấn về sức khỏe cho người dân. Đây cũng là lực lượng quan trọng khi thành phố triển khai phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà. Bên cạnh đó, thành phố cũng mở một nhánh trong tổng đài 1022 để huy động chuyên gia y tế tham gia tư vấn sức khỏe cho người dân.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam thông tin thêm, thời gian vừa qua, 52 bệnh viện tư nhân, 200 phòng khám trên địa bàn đã cử bác sĩ, điều dưỡng tham gia chiến dịch tiêm vaccine. Ngoài ra, hơn 5.000 bác sĩ, nhân viên y tế từ các đơn vị y tế Trung ương cũng được huy động tham gia vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố.

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, bên cạnh nguyên nhân khách quan là chủng virus Delta diễn biến rất nhanh, rất khó lường thì có nguyên nhân chủ quan là nhiều địa phương, khu phong tỏa, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Nếu không làm tốt hơn, thì tình hình dịch sẽ diễn tiến xấu hơn. Đây là thực tế và là cảnh báo, cho nên các cấp các ngành, người dân TP Hồ Chí Minh cần thực hiện triệt để hơn biện pháp phòng chống dịch.

Đồng chí yêu cầu thực hiện triệt để việc giãn cách, ai ở đâu ở đó, nhà nào ở nhà nấy, hạn chế tối thiểu việc ra đường. Trường hợp cần thiết thì phải rất cụ thể, và hạn chế, tuyệt đối không tiếp xúc. TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra giám sát, trong đó có công an, quân đội bên cạnh lực lượng tại cơ sở.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường biện pháp thắt chặt di chuyển. Thành phố sẽ có quy định cụ thể về đối tượng, nhiệm vụ, thời gian đi ngoài đường, thậm chí có thể giới hạn cụ thể ở khung giờ nhất định nào đó. TP Hồ Chí Minh cố gắng thực hiện triệt để giãn cách để tới ngày 1-8, hoặc có thể là hai tuần tới, để bảo đảm các biện pháp phát huy hiệu quả trong thực tế.

Về công tác điều trị, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, chiến dịch phòng chống dịch Covid-19 của thành phố đang chuyển dần sang chiến lược điều trị. Nhiệm vụ điều trị là nhiệm vụ chính trong thời gian tới và TP Hồ Chí Minh phải tập trung, tổ chức điều phối nguồn lực một cách khoa học nhất, tổ chức điều trị cho hiệu quả với mục tiêu là giảm tử vong. Để làm được điều này, TP Hồ Chí Minh tiến hành phân 5 tầng điều trị, chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, cơ chế phối hợp. TP Hồ Chí Minh  tiếp tục huy động nguồn lực xã hội, cơ sở y tế tư nhân, bệnh viện tư nhân cùng tham gia điều trị.

Về cách ly, chăm sóc F0 tại nhà, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các cơ quan truyền thông tuyên truyền giúp người dân hiểu đúng về chủng virus Delta và các biện pháp cách ly tại nhà. Nếu cách ly triệt để, chăm sóc tốt bằng dinh dưỡng, tăng tập thể dục, sử dụng thuốc phù hợp, thì F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà. Khi có tình huống y tế mới đến cơ sở y tế. Như thế, F0 vừa điều kiện tâm lý, điều kiện sinh hoạt thoải mái hơn và giảm áp lực cho cơ sở y tế.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam