Tăng thuế để giảm số người hút thuốc lá

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4%; hai phần ba số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà; tổng cộng số người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà là 33 triệu người...

Mít-tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá tại Thái Bình.
Mít-tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá tại Thái Bình.

Một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn tác hại của thuốc lá là tăng thuế thuốc lá. Đây cũng là chủ đề của Ngày thế giới không thuốc lá (31- 5) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác kêu gọi các nước cùng hành động.

Các nghiên cứu cho thấy, thuốc lá đang "đốt" rất nhiều tiền bạc và sức khỏe của con người. Những tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người là rất rõ ràng. Theo ước tính của WHO, hằng năm có khoảng 40 nghìn người Việt Nam chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và con số này có thể tăng lên tới 70 nghìn người/năm vào năm 2030.

Theo điều tra của Bệnh viện K, tỷ lệ người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%.

Một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) năm 2011 cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật. Xét trên gánh nặng kinh tế, hiện nay, người Việt Nam bỏ ra tới 22 nghìn tỷ đồng/năm cho tiêu dùng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho chỉ năm nhóm bệnh trên tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra đã lên tới con số hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm. Trong khi đó, thuế thu được từ thuốc lá năm 2013 là hơn 16.800 tỷ đồng.

Trước tình hình sử dụng thuốc lá rất phổ biến và gánh nặng bệnh tật cũng như kinh tế lớn như vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tiêu dùng thuốc lá là hết sức cần thiết. Việt Nam đang thực hiện các cam kết của mình thông qua việc phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO; ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá... Đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt "Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020" trong đó chỉ rõ mục tiêu đến năm 2020 là giảm tỷ lệ hút thuốc của thanh thiếu niên từ 26% xuống 18%, tỷ lệ hút thuốc nam giới giảm từ 47,4% xuống 39%, tỷ lệ hút thuốc nữ giới xuống dưới 1,4%...

Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá, một trong những biện pháp quan trọng nhất là sử dụng công cụ thuế đối với các sản phẩm thuốc lá.

Điều 6 trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá cũng ghi rõ "các biện pháp về giá và thuế là công cụ hiệu quả và quan trọng để giảm tiêu dùng thuốc lá". Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, biện pháp thuế đóng góp từ 50 đến 60% vào việc giảm tiêu dùng thuốc lá. Ngân hàng Thế giới ước tính, khi tăng thuế để giá thuốc lá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 8% ở các nước đang phát triển. Ở nhóm người nghèo và lớp trẻ thì giảm nhiều hơn, khi tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10%.

Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa người trẻ bắt đầu hút thuốc.

Tại Việt Nam, lần tăng thuế thuốc lá gần nhất là vào năm 2006 và 2008. Năm 2006, Việt Nam tiến hành cải cách thuế thuốc lá, đưa các mức thuế khác nhau về một mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 55%, áp dụng thống nhất cho tất cả các loại thuốc lá sản xuất trong nước. Năm 2008, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 65%. Tuy nhiên theo thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Chánh Văn phòng Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), phân tích các số liệu báo cáo trong giai đoạn này cho thấy mức tăng thuế đó chỉ có tác dụng giảm tiêu dùng vào hai năm này, nhưng không duy trì được giảm tiêu dùng cho các năm tiếp theo. Nguyên nhân chính của việc mức tiêu dùng không giảm qua các năm là do mức tăng thuế quá thấp. Sức mua thuốc lá của người Việt Nam vẫn càng ngày càng tăng.

Với chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay là "Tăng thuế thuốc lá", WHO kêu gọi các quốc gia thực hiện chính sách thuế và giá các sản phẩm thuốc lá như một biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sử dụng thuốc lá. Bằng chứng từ các nước cho thấy, thuế thuốc lá ở mức cao rất có hiệu quả trong việc giảm sử dụng thuốc lá, nhất là trong nhóm đối tượng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Cũng theo khuyến cáo của WHO, để kiềm chế có hiệu quả việc sử dụng thuốc lá, thuế thuốc lá tại Việt Nam phải chiếm từ 65 đến 70% giá bán lẻ (hiện nay đang ở mức khoảng 41,6%). Thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện thấp gần nhất so với các nước trong khu vực (chỉ cao hơn Cam-pu-chia) và rất thấp so với các nước phát triển.

Được biết, hiện nay Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó, thuế thuốc lá sẽ tăng từ 65% hiện nay lên 75% vào năm 2015 và 85% vào năm 2018.

Tuy nhiên mức tăng này tương tự với việc tăng thuế giai đoạn 2006-2008, sẽ tác động không đáng kể tới tiêu dùng thuốc lá.

Để giảm tiêu dùng thuốc lá cần phải tăng thuế đủ mạnh để giảm sức mua, do vậy, Bộ Y tế đề xuất lộ trình: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ 65% lên 105% vào năm 2017 và 145% vào thời điểm năm 2019 và tiếp tục xem xét điều chỉnh thuế vào năm 2020. Với lộ trình này, theo ước tính, không chỉ ngân sách nhà nước sẽ tăng mà tiêu dùng thuốc lá sẽ giảm mạnh hơn, nhờ đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm từ 47,4% hiện nay xuống 39% vào năm 2020, đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đề ra. Đồng thời sẽ ngăn ngừa được một số lượng đáng kể số thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc, giúp giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trong dài hạn.

Thành phần của khói thuốc lá chứa 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất có thể gây bệnh ung thư. Thuốc lá là nguyên nhân gây nên 25 nhóm bệnh. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 90% số các ca ung thư phổi, 75% số các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,... là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới Việt Nam. Hơn 90% số ca mắc ung thư phổi ở nam giới Việt Nam có liên quan đến sử dụng thuốc lá.