Phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em: Từng bước chuyên nghiệp hoá

NDO -

NDĐT- Cả nước hiện có hơn 5.200 cơ sở, mô hình trợ giúp trẻ em. Các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng đã hỗ trợ hơn 3,5 triệu lượt trẻ và cha mẹ các em. Tuy nhiên, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em cần từng bước chuyên nghiệp hoá các hoạt động cung cấp dịch vụ; tạo cơ hội cho nhiều trẻ em cần bảo vệ đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi, bỏ mặc được tiếp cận với dịch vụ xã hội.

Trẻ em luôn cần được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ tốt hơn (Ảnh minh họa: Trần Hải).
Trẻ em luôn cần được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ tốt hơn (Ảnh minh họa: Trần Hải).

Tăng kết nối với cộng đồng

Ngày 22-2-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 267/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em (BVTE) giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Chương trình 267) với mục tiêu: “Tạo dựng được môi trường sống mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ, trong đó ưu tiên nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bạo lực, buôn bán và sao nhãng. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn hại, tạo cơ hội để các em tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển, thông qua phát triển hệ thống BVTE đồng bộ và hoạt động có hiệu quả”.

Theo đánh giá của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), sau năm năm triển khai, Chương trình 267 đã đạt được những kết quả ban đầu.

Trước hết, có sự thay đổi rõ rệt trong tổ chức mạng lưới liên ngành trong hệ thống cung cấp dịch vụ BVTE. Ban Điều hành BVTE được thành lập ở 43/63 tỉnh, thành phố; 447 quận, huyện và 5.510 xã, phường.

Điểm sáng nữa là đội ngũ cộng tác viên BVTE đã tăng gần 3.800 người so với năm 2012. Điều này khắc phục một số bất cập của giai đoạn trước đây, khi đội ngũ cộng tác viên trẻ em tại cơ sở thiếu trầm trọng, trong khi công việc của họ được đánh giá là vất vả, thu nhập thấp. Con số cộng tác viên tham gia công tác BVTE đã có mặt tại hơn 4.500 xã, phường với gần 66 nghìn người tham gia. Lực lượng quan trọng này tại cơ sở, giúp tham gia vào các hoạt động về BVTE tại địa bàn; hỗ trợ cán bộ trẻ em cấp xã; phát hiện và báo cáo các trường hợp trẻ em bị sao nhãng, xâm hại, bóc lột và bạo lực; cung cấp và kết nối các dịch vụ chăm sóc, giáo dục, phục hồi và hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tổn hại, bao gồm cả dịch vụ quản lý trường hợp…

Ngoài mạng lưới cộng tác viên, nhiều xã còn thành lập nhóm trẻ em nòng cốt, từ đó giúp các em tích cực truyền thông về quyền trẻ em, về BVTE đến chính lứa tuổi của mình, tới cha mẹ và cộng đồng.

Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ BVTE cũng được tổ chức và hoạt động đáp ứng nhu cầu cần sự bảo vệ của mọi trẻ em, với sự góp mặt của hơn 5.200 cơ sở, mô hình. Đến tháng 6 năm 2015, cả nước hình thành 31 trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh, 134 văn phòng tư vấn trẻ em cấp huyện; 1.600 điểm tham vấn cộng đồng, 3.069 điểm tham vấn trường học; 428 các loại hình trợ giúp trẻ em khác được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần cung cấp các dịch trợ giúp trẻ em và gia đình trong việc giảm thiểu các yếu tố/nguy cơ gây tổn thương cho trẻ em.

Đặc biệt, chương trình cũng chú trọng tới xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng. Trong ba năm, các địa phương đã triển khai như tổ chức các hoạt động tư vấn, tham vấn; trợ giúp nâng cao năng lực chăm sóc, BVTE cho cha mẹ; tập huấn kỹ năng sống trẻ em; trợ giúp chính sách cho hơn 400 nghìn đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Từ đó, hơn 3,52 triệu lượt trẻ em và phụ huynh được hưởng lợi từ những chính sách này.

Không chỉ vậy, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về BVTE cũng được chú trọng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và các bộ luật, luật liên quan; đề xuất sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Dự thảo Luật sửa đổi (Luật Trẻ em) sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, chính sách toàn diện cho thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo đảm thực hiện có chất lượng các quyền cơ bản của trẻ em. Luật Trẻ em đã được trình lên Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII vào cuối năm 2015 và dự kiến thông qua vào đầu năm 2016.

Vẫn còn khó khăn

Có thể nói, sau một thời gian triển khai Chương trình 267, hoạt động của hệ thống BVTE đã đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản của công tác BVTE. Công tác BVTE ngày càng được quan tâm thực hiện ở cả ba cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

Trong thực tế, hệ thống BVTE mới được hình thành ở quy mô thí điểm trên 5.510/ 11.118 xã, phường, tại 447/713 quận, huyện ở 43/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các điều kiện để vận hành hệ thống BVTE còn rất khiêm tốn, chưa bảo đảm vận hành một cách chuyên nghiệp. Do đó, khả năng phòng ngừa, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác BVTE.

Cụ thể, việc quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt chưa kịp thời. Hệ thống phát hiện và tiếp nhận các thông báo về trường hợp trẻ em bị xâm hại, bóc lột, sao nhãng và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thiếu chủ động, chưa kịp thời nên các can thiệp, trợ giúp chậm, kém hiệu quả. Công tác giáo dục, phục hồi, hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa chuyên nghiệp. Các can thiệp cho các em chủ yếu ở mức hỗ trợ vật chất, động viên, thiếu các dịch vụ tư vấn, bảo vệ khẩn cấp, trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý, phục hồi có hiệu quả.

Con số trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt được nhận trợ cấp xã hội thường xuyên còn rất hạn chế. Ước tính, chỉ có khoảng 250 nghìn thuộc nhóm đối tượng này được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, tương đương dưới 10% tổng số trẻ này.

Hệ thống chăm sóc thay thế dựa vào cộng đồng cho trẻ em không được gia đình chăm sóc còn thiếu và yếu, chưa đủ các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp hỗ trợ cho trẻ em được chăm sóc thay thế và các cá nhân và gia đình nhận chăm sóc trẻ em. Chất lượng chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp trẻ em còn hạn chế. Thậm chí, còn xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em tại các địa chỉ này.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hệ thống công chức làm công tác BVCSTE ở các cấp còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực. Hoàn thiện đội ngũ cộng tác viên thôn, bản đang là một thách thức lớn đối với nhiều địa phương do không đủ kinh phí hỗ trợ.

Ngoài ra, quy định của pháp luật liên quan đến BVTE vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Còn thiếu nhiều quy định pháp lý và chính sách tạo điều kiện cho vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ BVTE hiệu quả, cũng như đáp ứng các nhu cầu trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngân sách Trung ương bố trí thực hiện Chương trình 267 chưa đáp ứng yêu cầu để đạt các mục tiêu đề ra. Đến tháng 4 năm 2015, kinh phí để thực hiện đạt khoảng 905 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 53% so với dự kiến.

Theo đề xuất của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn Chương trình quốc gia BVTE giai đoạn 2016 - 2020, cần chú trọng tới một số giải pháp cụ thể.

Trước hết, phải tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và thay đổi hành vi BVTE của gia đình, xã hội; trang bị, bổ sung kỹ năng phòng ngừa BVTE khỏi các hành vi làm tổn hại trẻ em; hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần bảo vệ đặc biệt, trẻ em bị tổn hại.

Củng cố đội ngũ, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác BVCSTE theo hướng chuyên nghiệp đối với người hưởng lương, bán chuyên nghiệp đối với cộng tác viên/ tình nguyện viên.

Chương trình cần chú trọng phát triển hệ thống dịch vụ BVTE nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ hiện có, hình thành các cơ sở mới. Đồng thời, nên từng bước chuyên nghiệp hoá các hoạt động cung cấp dịch vụ BVTE; tạo cơ hội cho nhiều trẻ em cần bảo vệ đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi, bỏ mặc được tiếp cận với dịch vụ xã hội.

* Cả nước hiện có 31 trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh; 134 văn phòng tư vấn trẻ em cấp huyện; 1.600 điểm tham vấn cộng đồng, 3.069 điểm tham vấn trường học; 428 các loại hình trợ giúp trẻ em khác thành lập và đi vào hoạt động.

Ban Điều hành BVTE được thành lập ở 43/63 tỉnh, thành phố và nhóm điều hành được thành lập ở 32/63 tỉnh, thành phố; 447 quận, huyện và được kiện toàn ở 5.510 xã, phường.

Đội ngũ cộng tác viên tham gia công tác BVTE có mặt ở 4.558 xã, phường với hơn 65,5 nghìn người tham gia.