Nới lỏng nhưng không buông lỏng

Từ ngày 21/9, một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người giao hàng (shipper) tại TP Hà Nội đã được hoạt động trở lại sau hơn hai tháng tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19.

Hầu hết chủ các cửa hàng được mở cửa trở lại đều chung tâm lý phấn khởi, nhưng cũng lo lắng lượng khách không đạt kỳ vọng.
Hầu hết chủ các cửa hàng được mở cửa trở lại đều chung tâm lý phấn khởi, nhưng cũng lo lắng lượng khách không đạt kỳ vọng.

Tâm lý của hầu hết người dân và các hộ kinh doanh đều rất vui mừng, do đó, phần lớn các hộ kinh doanh đều rất khẩn trương chỉnh trang dọn dẹp lại hàng quán, liên hệ với các đầu mối cung cấp hàng chuẩn bị cung ứng đủ nguồn hàng hóa cho việc hoạt động trở lại. Phần lớn người dân đều mong muốn dịch bệnh sớm kiểm soát, đồng thời mong Chính phủ nghiên cứu các giải pháp thiết thực, phù hợp thực tế để trở lại kinh doanh an toàn, ổn định, tránh trường hợp tiếp tục bị phong tỏa, dừng hoạt động đồng loạt như thời gian vừa qua.

Nhiều hoạt động kinh doanh được mở lại

Anh Trần Hoàng Việt, chủ một quán ăn trên phố Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân) cho biết, chưa bao giờ người kinh doanh phải đối diện với tình trạng bị "tê liệt" như thời gian vừa qua. Dù mới chỉ được phép bán đồ ăn mang về nhưng cũng giúp quán giảm bớt gánh nặng tài chính khi hằng tháng vẫn phải "lo" gần 60 triệu đồng chi phí thuê cửa hàng, điện, nước, lương, ăn ở cho hai lao động ở lại trông nom cửa hàng. Do đó, việc TP Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội xuống thực hiện theo Chỉ thị 15 đã "cởi trói" cho người dân, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ rất nhiều. Cũng theo lời anh Việt, cửa hàng của anh đã tạo mã QR khai báo y tế cho người mua hàng, nhắc nhở khách, shipper thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh hơn nữa bán hàng qua các ứng dụng công nghệ để hạn chế tập trung đông người.

Chung quan điểm, anh Nguyễn Văn Ba, chủ cửa hàng sửa chữa điện tử tại 624 đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) khẳng định, việc nới lỏng giãn cách chẳng khác gì "cái phao" cứu sinh đối với gia đình tôi. Từ chỗ đi lại bị kiểm soát, không được ra đường làm việc vì sửa chữa đồ điện tử không phải thiết yếu khiến cho cuộc sống của bốn thành viên trong gia đình hết sức khó khăn. Thu nhập không có nhưng hàng loạt chi phí vẫn phải lo như: tiền thuê nhà, thuê cửa hàng, chi phí ăn học cho hai con nhỏ cũng lên tới gần 15 triệu đồng/tháng khiến tôi ngập đầu trong cảnh nợ nần, nheo nhóc. Rất may thành phố cho phép được hoạt động trở lại sẽ giúp tôi có điều kiện chăm sóc khách hàng, bày bán sản phẩm, qua đó có nguồn thu để duy trì cuộc sống, tích cóp trả nợ cho giai đoạn bị đình trệ hoạt động vừa qua.

Bên cạnh các dịch vụ ăn uống, sửa chữa thì cắt tóc, gội đầu hiện cũng đang là dịch vụ được nhiều người quan tâm nhất. Ghi nhận của chúng tôi tại một số tiệm cắt tóc trên các tuyến phố tại TP Hà Nội như: Hàng Bông, Trần Quý Kiên, Thái Thịnh nhận thấy, có rất đông khách tìm đến các cửa hàng cắt tóc để sửa sang lại mái tóc sau nhiều tháng ngày giãn cách xã hội. Phần lớn các tiệm cắt tóc dù có từ năm đến bảy thợ cắt nhưng cũng đang kín khách ngồi chờ vì nhu cầu quá lớn. Song để bảo đảm giãn cách, hầu hết khách đều phải đặt lịch hẹn trước, nếu không phải ngồi chờ trung bình khoảng hơn một giờ mới đến lượt. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh trên ứng dụng giao hàng trực tuyến như Grab, Nowfood,... cũng đã được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do mới chỉ được bố trí hoạt động không quá 50% số lượng phương tiện và hoạt động từ 9 đến 22 giờ hằng ngày cho nên thời gian đặt đồ ăn, giao hàng chậm hơn so với trước.

Mở cửa dè dặt vì nỗi lo vắng khách

Sau bốn ngày từ khi được phép hoạt động trở lại, vẫn còn một bộ phận các cơ sở kinh doanh chần chừ mở cửa vì tâm lý dè dặt, vừa lo lượng khách không như kỳ vọng, lại vừa lo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Do đó, có rất nhiều hộ chấp nhận đóng cửa thêm một thời gian nữa, chờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, có lượng khách ổn định và nhân viên từ ngoại tỉnh có thể quay về Hà Nội để làm việc mới chính thức mở bán.

Trên tuyến phố Nguyễn Lương Bằng, hoạt động mua bán các mặt hàng đồ điện gia dụng cũng đã tấp nập hơn. Song theo quan sát của chúng tôi, vẫn còn hơn một nửa số cửa hàng đang "cửa đóng then cài". Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thị Tuyết chủ một cửa hàng bán đồ điện tỏ ra lo lắng hơn là lúc phải dừng hoạt động. Bởi cuộc sống của người dân vẫn chưa hoàn toàn bình thường trở lại, chưa kể sau dịch nhiều gia đình cũng thắt chặt chi tiêu cho nên rất khó để bán được hàng. Khi ấy, lãi không bù được tiền thuê mặt bằng, nếu không mở hàng thì lỗ ít, nhưng đã mở là kéo theo nhiều loại chi phí, có khi lỗ nhiều hơn. Mặt khác, vì chủ nhà cũng không giảm hay hỗ trợ tiền thuê mặt bằng do dịch bệnh, thế nên ở đây nhiều người chưa vội vàng mở cửa hàng. Thậm chí đã có không ít hộ kinh doanh đã trả mặt bằng, chọn hướng kinh doanh khác.

Vừa mở cửa hàng cơm bình dân ngay sau khi được cho phép, nhưng cô Thu Hòa (Cầu Giấy) đã nhanh chóng đóng cửa nghỉ tiếp vì quá vắng khách. Chưa kể, do nhân viên đều đang "kẹt" ở quê cho nên quán của cô phải huy động người nhà trợ giúp để chuẩn bị hàng từ sáng sớm rất vất vả. Theo lời cô Hòa: "Cơm bụi" khác với hàng phở, hàng bún vì "cơm bụi" chỉ có nhóm khách hàng nhất định. Trước đây mỗi ngày nhà tôi bán cả trăm suất cơm cho sinh viên, công nhân và người lao động, nhưng do nghỉ dịch dài, họ đã về quê hết. Nhân viên văn phòng làm việc giãn cách cho nên họ cũng tự mang cơm, đây là nguyên nhân khiến cho quán của tôi dù quá buổi trưa nhưng cũng chỉ lèo tèo vài khách đến mua. Do đó, tôi quyết định đóng cửa chờ thêm một thời gian nữa khi tình hình dịch bệnh ổn hơn, nhịp sống của người dân bình thường như trước sẽ mở hàng trở lại. Có như vậy mới bảo đảm nguồn thu cho các chi phí bỏ ra, nếu không với tình trạng ế ẩm như mấy ngày vừa qua thì ngày nào cũng sẽ phải chịu lỗ.

Có thể thấy, việc TP Hà Nội từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường mới được nhiều người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá là điều kiện cần thiết để đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch, vừa lao động sản xuất. Để làm được điều này, mỗi người dân đều không được chủ quan, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp cũng không nên nóng vội mở cửa hoạt động trở lại nếu chưa chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Việc vừa bảo đảm sức khỏe vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh cũng rất cần sự tự giác, chủ động của mọi người trong chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, dù đã nới lỏng nhưng không được buông lỏng để những thành quả phòng, chống dịch đạt được trong thời gian qua được duy trì và không bị "uổng phí".