Kiên Giang chia nhỏ vùng để quản lý, tầm soát nhanh

NDO -

Chia nhỏ địa bàn để quản lý theo cấp độ nguy cơ, tầm soát nhanh để phân loại F0, cách ly triệt để F1, quản lý chặt F2 và cơ động xử lý các vấn đề phát sinh về an ninh trật tự, an sinh xã hội… là chiến lược chống dịch mới mà tỉnh Kiên Giang đang áp dụng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, trả lời tại buổi họp báo. (Ảnh: VIỆT TIẾN).
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, trả lời tại buổi họp báo. (Ảnh: VIỆT TIẾN).

Chiều ngày 21/9, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức họp báo thông tin về việc thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Lưu Trung, Phó ban chỉ đạo tỉnh và lãnh đạo các ngành, địa phương đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân liên quan đến việc tỉnh này nới lỏng giãn cách xã hội khi số ca mắc Covid-19 vẫn còn trong cộng đồng.

Lấy địa bàn khu phố, ấp để “bảo vệ vùng xanh”

TP Rạch Giá là một trong những địa phương có tổng số ca mắc Covid-19 cao nhất tỉnh Kiên Giang và hàng ngày số ca tăng thêm cũng đứng đầu tỉnh. Đến hết ngày 21/9, địa phương ghi nhận 1.890 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, ngày 19/9 có 39 ca, ngày 20/9 thêm 37 ca và ngày 21/9 tăng thêm 60 ca. Một số địa bàn như phường Vĩnh Thanh, Vĩnh Quang, Vĩnh Lạc… vẫn còn ca mắc trong cộng đồng.

Từ ngày 21/9, 10 phường, xã của TP Rạch Giá được nới lỏng giãn cách, thực hiện Chỉ thị 15 trong phòng, chống dịch Covid-19. Hai phường Vĩnh Thanh và Vĩnh Quang vẫn thực hiện Chỉ thị 16, do hai địa bàn liền kề hiện là “vùng đỏ” có nguy cơ rất cao, hàng ngày vẫn xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày đầu nới lỏng giãn cách, trên các tuyến phố chính của thành phố, lượng người ra đường khá đông, một số cửa hàng, cửa hiệu đã có giao dịch mua bán, vài gian hàng bán thức ăn đã hoạt động. Một số chợ truyền thống co số lượng người nhóm họp đông đúc. Người dân vui mừng với sự nới lỏng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng “vẫn chưa ổn”, nguy cơ dịch bùng phát cao nếu công tác quản lý không chặt.

Covid-19: Kiên Giang chia nhỏ vùng để quản lý, tầm soát nhanh -0

Người dân TP Rạch Giá ra đường trong ngày đầu địa phương này thực hiện Chỉ thị 15. (Ảnh: VIỆT TIẾN).

Chủ tịch UBND TP Rạch Giá, Nguyễn Văn Hôn, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống Covid-19 của TP Rạch Giá, thừa nhận có hiện tượng người dân ra đường cũng như đến các chợ và các cơ quan hành chính nhà nước đông hơn. “Sáng nay, tại bốn chốt của TP Rạch Giá, rất nhiều doanh nghiệp và người dân ở các địa bàn khác đã vào thành phố. Chúng tôi phải trả lời liên tục câu hỏi, vì sao TP Rạch Giá thực hiện Chỉ thị 15 mà không cho họ vào (?)”.

Theo ông Nguyễn Văn Hôn, hiện nay, TP Rạch Giá còn hai phường thực hiện Chỉ thị 16 kéo dài và một số phường vẫn còn ca F0, nên thành phố hết sức thận trọng.

Ngoài thực hiện theo văn bản chỉ đạo của tỉnh, đối với 10 xã, phường thực hiện Chỉ thị 15, thành phố có văn bản quy định nâng lên Chị thị 15+. “Một tuần người dân được đi chợ hai lần. Thành phố đang khôi phục dần lại các chợ truyền thống để phục vụ người dân. Tuy nhiên, thành phố vẫn duy trì không cho phép người dân ra đường trong khung giờ từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau”, ông Nguyễn Văn Hôn giải thích thêm.

Ngoài ra, trong thời gian thành phố thực hiện Chỉ thị 15+ các hoạt động ngoài công sở không được tụ tập quá 5 người, các cơ sở kinh doanh ăn uống không được hoạt động, kể cả bán hàng đem về. Người dân chỉ được đi lại trong nội giới phường, xã nơi ở, khi qua địa giới của phường, xã khác phải được cấp phép. Đồng thời, thành phố chỉ chấp thuận có điều kiện đối với một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng…

“Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch, quy định “bảo vệ vùng xanh”. Theo đó, công dân sống trong “vùng xanh” không được ra ngoài “vùng xanh”, khi ra khỏi vùng phải có lý do chính đáng. Còn người ngoài “vùng xanh” như “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” tất nhiên không được vào “vùng xanh”, trừ một số đối tượng theo quy định. Hiện nay, TP Rạch Giá có 43 khu phố, ấp là “vùng xanh”, ông Nguyễn Văn Hôn cho biết.

Ngoài TP Rạch Giá thì hai địa phương khác đang thực hiện Chỉ thị 15 như huyện Hòn Đất, huyện Châu Thành cũng có những quy định riêng. Bởi hai huyện này còn các đơn vị hành chính cấp xã vẫn thuộc “vùng đỏ”. Như huyện Châu Thành vẫn còn thị trấn Minh Lương thực hiện Chỉ thị 16. Huyện Hòn Đất còn đến 5 xã là Mỹ Lâm, Sơn Kiên, Mỹ Phước, Bình Giang, Bình Sơn và hai thị trấn Hòn Đất, Sóc Sơn vẫn là vùng nguy cơ rất cao.

Kể cả 10 địa phương là Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Kiên Hải, Giang Thành và Phú Quốc đang thực hiện Chỉ thị 19 trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng có những quy định nâng các tiêu chí lên mức độ cao hơn.

Đánh giá mức độ nguy cơ ở khu vực nhỏ nhất

Ông Nguyễn Lưu Trung thừa nhận, số ca mắc Covid-19 ở Kiên Giang mỗi ngày vẫn duy trì ở mức ba con số, biểu đồ đang đi theo chiều ngang. Tuy nhiên, về cơ cấu số ca mắc cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch tại Kiên Giang đang có hiệu quả và bền vững. Số ca mắc trong khu phong tỏa, khu cách ly chưa giảm, nhưng số ca mắc trong cộng đồng đã liên tục giảm, chủ yếu ca mắc trong “vùng đỏ”, “vùng cam”…

Về chiến lược phòng, chống Covid-19, tỉnh Kiên Giang cũng có sự điều chỉnh, thường xuyên, liên tục đánh giá mức độ nguy cơ cho từng địa phương để đưa ra mức độ áp dụng các biện pháp một cách phù hợp nhất. Trong đánh giá mức độ nguy cơ, Kiên Giang đánh giá mức độ ở từng địa bàn cấp xã (phường, thị trấn), cấp ấp (khu phố, khu vực), tổ nhân dân tự quản. Một số địa bàn ở nội thị, tỉnh đánh giá mức độ nguy cơ xuống tận các dãy phố (dãy nhà).

Covid-19: Kiên Giang chia nhỏ vùng để quản lý, tầm soát nhanh -0
Toàn TP Rạch Giá có 43 khu phố, ấp là “vùng xanh”. (Ảnh: VIỆT TIẾN).

Ông Nguyễn Lưu Trung cho biết: Kiên Giang đã “sửa sai” trong cách thống kê, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nên nhanh chóng phân loại F0, cách ly triệt để F1 và quản lý chặt chẽ F2 tại nhà. Ngoài việc bảo vệ thật chặt “vùng xanh”, Kiên Giang điều chỉnh kế hoạch xét nghiệm, tăng cường tầng suất xét nghiệm và thay đổi biện pháp xét nghiệm, nên số lượng ca F0 ngoài cộng đồng giảm rất nhanh và số lượng ca trong khu phong tỏa cũng giảm ở một số địa bàn…

“Như vậy, nhờ việc tăng cường xét nghiệm, chúng tôi đã xác định được nguồn lây, mức độ lây, trên cơ sở đó áp dụng hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo quốc gia trong việc thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ nên “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”, “vùng xanh” được xác định rõ hơn, chính xác hơn… Vì vậy, một số địa bàn được nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19 của Chính phủ”, ông Nguyễn Lưu Trung nêu căn cứ.

Cũng theo ông Nguyễn Lưu Trung, mặc dù giảm giãn cách, nhưng Kiên Giang vẫn duy trì thực hiện việc xét nghiệm tầm soát để làm căn cứ thường xuyên và tiếp tục duy trì đánh giá mức độ nguy cơ. “Đang thực hiện Chỉ thị 19, nhưng đánh giá mức độ nguy cơ cao hơn thì chúng tôi vẫn nâng lên mức độ giãn cách. Đây là cách làm sát với tình hình, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh thực tế tại Kiên Giang, để không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân”.