Hỗ trợ, kết nối việc làm cho người lao động

NDO -

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, dẫn tới nhiều lao động mất việc làm. Để giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, Bắc Kạn đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ, kết nối việc làm giúp người lao động.

Công nhân Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn khai thác quặng chì, kẽm trong hầm lò.
Công nhân Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn khai thác quặng chì, kẽm trong hầm lò.

Bắc Kạn có nhiều công ty, nhà máy lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Đây là những đơn vị sử dụng nhiều lao động và cũng dễ bị tác động nhất do đại dịch Covid-19. Thực tế, trong năm 2020, rất nhiều đơn vị phải cắt giảm lao động, công nhân khi sản xuất đình trệ do không xuất bán được sản phẩm.

Trước tình hình đó, Bắc Kạn chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý của đơn vị bảo đảm thấu đáo, trách nhiệm, cụ thể, theo tinh thần cùng đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh. Các tổ chức tín dụng và Công ty Điện lực Bắc Kạn triển khai hỗ trợ lãi suất và giảm giá điện bán lẻ…

Những ngày này, tại các nhà máy, xí nghiệp của Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn vẫn tấp nập công nhân vào ca sản xuất theo quy trình bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công ty đã phải cắt giảm 300 lao động, công nhân. Tuy nhiên, với quan điểm hỗ trợ tối đa cho người lao động, công ty thực hiện cắt giảm theo hình thức tạm hoãn hợp đồng để sẵn sàng nhận lại số lao động này khi sản xuất ổn định trở lại. Trong thời gian tạm hoãn, mỗi lao động được hỗ trợ hơn một triệu đồng/tháng trong vòng ba tháng.

Tổng Giám đốc công ty Đinh Văn Hiến cho biết, nhờ sự tạo điều kiện, hỗ trợ của tỉnh, đến nay, tình hình sản xuất của công ty tăng trưởng trở lại. Công ty đã nhận lại 95% số lao động đã tạm hoãn hợp đồng trong năm 2020, nâng tổng số công nhân của đơn vị lên hơn 500 người với thu nhập bình quân hơn 7,5 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian tới, khi hoàn thiện các thủ tục gia hạn khai thác mỏ cho một xí nghiệp thành viên, công ty tiếp tục tuyển dụng thêm khoảng 200 lao động nữa, bảo đảm tạo việc làm ổn định cho khoảng hơn 700 công nhân.

Bên cạnh việc tạo điều kiện, triển khai quyết liệt các giải pháp để doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo việc làm, các địa phương tại Bắc Kạn đồng thời đẩy mạnh triển khai công tác tư vấn, giới thiệu việc làm. Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Chợ Đồn Ma Văn Dũng cho biết, phòng phối hợp các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, kết nối việc làm cho người lao động.

Trong sáu tháng đầu năm đã tạo việc làm cho 259 lao động. Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh nhưng huyện vẫn kết nối, đưa 27 người đi xuất khẩu lao động. Do đặc thù còn ít nhà máy, xí nghiệp cho nên nhiều lao động trên địa bàn đi lao động ngoại tỉnh, chủ yếu ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên…

Từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tổng cộng có hơn 2.500 lao động của tỉnh rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Để kịp thời hỗ trợ người lao động thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn đã tổ chức đón các lao động về, tiếp nhận hồ sơ chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Trung tâm đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 2.238 người và tiếp tục hoàn thiện, giải quyết cho số lao động còn lại. Tổng số tiền Trung tâm đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong năm tháng đầu năm là hơn sáu tỷ đồng.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn Nguyễn Hồng Việt cho biết, hỗ trợ người lao động tìm việc làm trong hoàn cảnh dịch Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng, Trung tâm tập trung đa dạng hóa các kênh thông tin nhằm giới thiệu, tư vấn, hỗ trợ cho người lao động hiệu quả nhất; đẩy mạnh giới thiệu việc làm thông qua website, phỏng vấn online; triển khai phương án tổ chức phiên giao dịch bằng hình thức trực tuyến trên fanpage (sangiaodichvieclam). Trung tâm thiết lập đường dây tư vấn, giới thiệu việc làm online qua website, số điện thoại của cán bộ, cập nhật kịp thời, liên tục các vị trí việc làm trống để người lao động lựa chọn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, học nghề tới tận các xã. Từ năm 2020 tới nay, Trung tâm tổ chức thành công 38 phiên giao dịch việc làm lưu động cấp xã; phối hợp trường trung học phổ thông các huyện, thành phố tổ chức được 20 buổi nói chuyện chuyên đề, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối 12, với 4.800 người tham dự.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động tại bộ phận một cửa và hai điểm văn phòng huyện Chợ Đồn và huyện Ba Bể được 2.487 người. Vào thứ 4 hằng tuần, Trung tâm tổ chức tư vấn trực tuyến với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh và thông tin, tư vấn thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, trên website (vieclambackan.gov.vn) thu hút hàng chục nghìn lượt người xem và hơn 9.000 lượt tương tác. Đồng thời tiếp tục phối hợp mở rộng thị trường ở các tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lớn và đi xuất khẩu lao động an toàn. Đến đầu tháng sáu, Trung tâm giới thiệu việc làm cho 180 lao động.

Tập trung giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện tối đa để người lao động biết, hiểu và tìm được việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn cũng đã đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào công tác tư vấn giới thiệu việc làm, nâng cao chất lượng hoạt động tại bộ phận một cửa. Khảo sát mức độ hài lòng trong giao dịch với tổng số phiếu khảo sát là 1.500 lượt người cho thấy những người được khảo sát đạt trên 95% mức độ hài lòng khi giao dịch tại đơn vị. Trung tâm phấn đấu đến cuối năm đạt mục tiêu 500 người có việc làm mới.

Trong thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục đa dạng các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm; phấn đấu đến cuối năm đạt mục tiêu 6.000 người có việc làm mới; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Kịp thời khai thác, cung ứng thông tin thị trường lao động theo đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ tốt nhất cho cả doanh nghiệp và người lao động, tìm kiếm nguồn lao động với chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, giúp người lao động tìm kiếm được những công việc phù hợp, ổn định.