Chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch

Từ cuối tháng 4 trở lại đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, ảnh hưởng đời sống nhân dân và tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung.

Công nhân ngành điện thành phố Thủ Đức hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng điện hiệu quả trong mùa dịch.
Công nhân ngành điện thành phố Thủ Đức hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng điện hiệu quả trong mùa dịch.

Để thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch, nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên tinh thần chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch và góp phần chia sẻ những khó khăn đối với nhân dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, cho phép thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 đối với các địa phương đang giãn cách xã hội.

Để khẩn trương thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4, EVN đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các tổng công ty điện lực, các công ty điện lực, trung tâm chăm sóc khách hàng sớm rà soát, chuẩn bị và triển khai các công việc liên quan. Theo ước tính sơ bộ, tổng số tiền giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt 4 khoảng 2.500 tỷ đồng. Lãnh đạo EVN cho biết, đối với việc giảm tiền điện, giảm giá điện cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đợt 3 đến ngày 31/7 là 276,65 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 12.700 khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch được giảm giá với số tiền hơn 223,6 tỷ đồng.

Đối với việc giảm tiền điện, có 167 khách hàng/cơ sở được giảm 100% tiền điện cơ sở cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 với số tiền hơn 23,6 tỷ đồng; 1.333 khách hàng/cơ sở y tế khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được giảm 20% với số tiền hơn 26,2 tỷ đồng; 128 đơn vị bán lẻ điện được giảm 3,177 tỷ đồng. Đến nay, mặc dù EVN cũng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng trên tinh thần tích cực chia sẻ với những khó khăn của khách hàng sử dụng điện và các cơ sở cách ly, cơ sở y tế phòng, chống dịch, theo tính toán, tổng số tiền giảm giá điện, giảm tiền điện trong bốn đợt của EVN trong các năm 2020 và 2021 lên tới hơn 16.300 tỷ đồng.

Chủ trương hợp lòng dân nêu trên đã được các khách hàng hồ hởi đón nhận. Anh Nguyễn Hồ Thu, ở trong hẻm 639, đường Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Hôm rồi đọc báo tôi được biết thông tin Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ giảm tiền điện cho người dân sử dụng điện sinh hoạt từ 10 đến 15%, gia đình tôi rất mừng. Tiền điện của nhà tôi mấy tháng rồi tăng lên khá cao do các thành viên đều ở nhà toàn thời gian.

Đây là chủ trương rất kịp thời nhằm hỗ trợ, động viên người dân trong giai đoạn hết sức khó khăn này”. Tương tự, chị Trần Thị Cẩm Vân, ở đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, TP Thủ Đức cho biết: “Nhiều ngày qua, cửa hàng trang trí nội thất của gia đình tôi không hoạt động để phòng, chống dịch nên thu nhập giảm xuống; cộng thêm số lượng người làm việc, sinh hoạt tại nhà cũng tăng lên, nên khi nghe tin được hỗ trợ giảm tiền điện, gia đình tôi rất vui mừng. Sự hỗ trợ từ Chính phủ, thành phố lúc này dù rất nhỏ nhưng cũng khiến gia đình có thêm niềm tin, động lực để cùng với chính quyền và toàn xã hội phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19”.

Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện trong ba đợt thời gian qua đã góp phần phục hồi kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện trên bình diện cả nước, đặc biệt là các hộ thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội, các cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp hoạt động logistics. Riêng trong đợt 3 vừa qua, các cơ sở lưu trú du lịch được giảm từ giá kinh doanh xuống bằng giá bán lẻ của các ngành sản xuất đã góp phần không nhỏ vào việc giảm chi phí sản xuất của các cơ sở này trong giai đoạn dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Như vậy, có thể khẳng định, việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện qua ba đợt đã được Bộ Công thương kịp thời đề xuất, hướng dẫn EVN thực hiện đúng đối tượng cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các cơ sở phòng, chống dịch Covid-19 là các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Việc hỗ trợ giảm giá được EVN cũng như các đơn vị bán lẻ điện khác ngoài EVN thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng, góp phần chia sẻ, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng các phương án giảm giá điện, giảm tiền điện, Bộ Công thương đã thường xuyên, kịp thời chỉ đạo EVN thực hiện đồng bộ các giải pháp quản trị và tiết kiệm chi phí thường xuyên, các khoản chi không cấp thiết khác tại các đơn vị trực thuộc để bảo đảm cân đối tài chính.

Theo số liệu kiểm toán của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, kết quả sản xuất, kinh doanh của EVN năm 2020 cho thấy, tập đoàn không bị lỗ. Bên cạnh các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt và các đối tượng đã được giảm giá điện đợt 3, trong “làn sóng” dịch Covid-19 lần này, do số người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 tăng cao cho nên các cơ sở cách ly tập trung trên cả nước hiện nay đều tiếp nhận rất nhiều người thuộc cả đối tượng thu chi phí và không thu chi phí theo quy định của Chính phủ.

Do vậy, để hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch, bên cạnh các cơ sở cách ly y tế không thu phí đã được giảm giá điện tại Công văn số 3163/BCT-ĐTĐL ngày 3/6/2021 của Bộ Công thương, lần này, Bộ cũng quyết định hỗ trợ 100% tiền điện từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 đến tháng 12/2021 cho các cơ sở cách ly y tế người nghi nhiễm Covid-19 có thu một phần chi phí cách ly.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thực hiện Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ, ngay trong ngày 31/7, Bộ Công thương đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở Công thương các địa phương và EVN thực hiện ngay việc giảm tiền điện trong kỳ hóa đơn sắp phát hành vào đầu tháng 8, hỗ trợ một cách nhanh chóng, trực tiếp và hiệu quả cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bộ cũng đã triển khai phát hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước để phối hợp trong việc khẩn trương cung cấp cho các đơn vị điện lực danh sách địa phương tại thời điểm ngày 30-7 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, danh sách các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 được giảm tiền điện để triển khai nhanh, hiệu quả Nghị quyết 83. Bộ cũng sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát và kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm việc giảm giá điện, giảm tiền điện hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng, thời gian theo tinh thần Nghị quyết 55 và 83 của Chính phủ.

GIANG QUÝ HẢI